Kinh tế Đồng Nai tăng trưởng hơn 8% trong 6 tháng

17:02' - 07/07/2019
BNEWS Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đồng Nai đạt trên 116.105 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2018.
Sản xuất sơn tại Công ty TNHH KCC Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo nhận định của UBND tỉnh Đồng Nai, mức tăng trưởng trên cho thấy nền kinh tế Đồng Nai tiếp tục tăng trưởng khá, ổn định, phù hợp với mục tiêu mà địa phương đặt ra. 

*Công nghiệp giữ vai trò chủ đạo
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, với mức tăng trưởng trên 8% trong 6 tháng đầu năm, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi nhưng ngành nông – lâm – thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng 3,22%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung của nền kinh tế.

Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp, thương mại vẫn giữ vai trò chủ lực. Cụ thể, công nghiệp và xây dựng tăng 9,09%, đóng góp 5,59 điểm phần trăm.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, nổi bật trong lĩnh vực công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng đạt 9,43%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 4,32%; ngành khai khoáng tăng 5,62%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 8,12%, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung của khu vực.
Cũng theo Sở Công Thương Đồng Nai, 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khiến thị trường xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Đồng Nai giảm.

Bên cạnh đó, giá điện, xăng dầu điều chỉnh tăng ở những tháng đầu năm cũng ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do Đồng Nai chủ động thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, nên sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục phát triển khá.
Cụ thể, chỉ số phát sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 8,02% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng chỉ số sản xuất của 27 ngành kinh tế cấp II; trong đó, có 25/27 ngành tăng so cùng kỳ với mức tăng thấp nhất là 0,78% và mức tăng cao nhất 16,88%, như: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 16,88%; sản xuất thiết bị điện tăng 15,46%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 13,82%; sản xuất thuốc lá tăng 12,54%; dệt tăng 12%; sản xuất trang phục tăng 11,78%; sản xuất đồ uống tăng 11,69%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,52%...

Đây là những ngành có mức tăng khá do có hợp đồng xuất khẩu ổn định, thị trường tiêu thụ thuận lợi.
*Đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 26.485 tỷ đồng, tăng 20,8% cùng kỳ năm 2018; trong đó, thu nội địa trên 16.937 tỷ đồng, tăng 32,4% cùng kỳ. Thu lĩnh vực xuất, nhập khẩu đạt 8.547 tỷ đồng, tăng 3,1% cùng kỳ.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Đồng Nai cũng cho thấy, hoạt động tín dụng trên địa bàn tăng trưởng khá.

Theo đó, tổng dư nợ cấp tín dụng trong 6 tháng đạt 200.577 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ.

Dư nợ cho vay có xu hướng tăng trưởng khá, chủ yếu cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và một số lĩnh vực ưu tiên.

Một góc khu công nghiệp Gò Dầu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Cũng trong 6 tháng, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đạt 9,42 tỷ đô la Mỹ (USD), tăng 6,1% so cùng kỳ; trong đó, khối kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm ưu thế với kim ngạch đạt 7,76 tỷ USD, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu đạt 8 tỷ USD. Như vậy, trong 6 tháng, Đồng Nai xuất siêu trên 1,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư FDI cũng là thế mạnh của Đồng Nai. Trong 6 tháng, Đồng Nai đã thu hút trên 1 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch cả năm 2019.

Với việc các chỉ tiêu kinh tế Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2019 đều đạt và vượt khá cao so với kế hoạch, cho thấy nền kinh tế Đồng Nai đang duy trì đà tăng trưởng cao và bền vững.
Bên cạnh sự phát triển mạnh của khối đầu tư FDI, các doanh nghiệp trong nước cũng đã tận dụng cơ hội mở rộng đầu tư và dần khẳng định vị thế của mình.

Chỉ trong 6 tháng, có 1.728 doanh nghiệp được Đồng Nai cấp phép thành lập mới với số vốn đăng ký 18.795 tỷ đồng, tăng 23,4% so cùng kỳ về số doanh nghiệp và tăng trên 28% về số vốn đăng ký (tăng 5.069 tỷ đồng).
Theo ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, đạt được những kết quả khả quan trên là nhờ tỉnh đã thực hiện tốt các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt quản lý thu - chi ngân sách Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tạo động lực hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển...
Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, lưu ý, ngành thuế cần phối hợp với các địa phương rà soát thuế nội địa để tăng thu, đảm bảo kế hoạch được giao.

“Thực tế lâu nay nhiều cá nhân, đơn vị sang nhượng đất đai đã lách thuế bằng cách khai số tiền bán đất rất thấp có khi chỉ bằng 30% - 40% so với giá bán thực tế để lách luật. Việc này cũng gây thất thu không nhỏ cho ngân sách”, ông Cường cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục