Kinh tế thế giới có kịp “cán đích” năm 2016 (Phần I)

06:33' - 25/09/2016
BNEWS Năm 2016 đã đi qua được gần 3/4 chặng đường với không ít những khó khăn trong bối cảnh các khu vực kinh tế chủ chốt của thế giới phải đối mặt với những vấn đề riêng.
Kinh tế thế giới có kịp “cán đích” năm 2016. Ảnh: Reuters

Những vấn đề riêng mà thế giới đang phải đối mặt, đó là sự kiện cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản xem xét mở rộng thêm chính sách tiền tệ nới lỏng, sự e dè hoài nghi từ Berlin đối với các biện pháp kích thích kinh tế hay tình trạng sản xuất công nghiệp dư thừa ở Trung Quốc. Những khó khăn kể trên đã khiến chính phủ các nước gặp nhiều thách thức trong việc tuân thủ những cam kết chung đã đặt ra trước đó. 

Khởi đầu chậm chạp 

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 11 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) mới đây cho rằng tăng trưởng toàn cầu vẫn dưới mức kỳ vọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với nhận định tăng trưởng toàn cầu vẫn yếu hơn mong đợi và vẫn còn nhiều rủi ro,

Hội nghị G20 lần này đã thông qua gói các chính sách và Kế hoạch Hành động Hàng Châu nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế thế giới thông qua các biện pháp tổng thể, sáng tạo, mở, toàn diện và dài hạn.

Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các nước G20 sẽ phối hợp các chính sách vĩ mô một cách chặt chẽ hơn, theo đó sẽ không chỉ thúc đẩy nhu cầu mà còn cải thiện chất lượng nguồn cung. Hội nghị G20 cũng cam kết sử dụng tất cả công cụ chính sách tài chính, tiền tệ và cấu trúc, một cách đơn phương và đa phương nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Bên cạnh việc tái khẳng định tình trạng không ổn định và những biến động khó lường trong tỷ giá hối đoái có thể gây bất lợi đối với sự ổn định kinh tế và tài chính, hội nghị G20 cũng phản đối chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại và đầu tư dưới mọi hình thức.    

Trước đó, IMF đưa ra lời cảnh báo các nền kinh tế G20 sẽ khó đạt mục tiêu nâng thêm 2% nhịp độ tăng trưởng GDP chung đến trước năm 2018 theo cam kiết tại Brisbane hồi năm 2014, trong bối cảnh thiếu vắng những nỗ lực cải cách và đầu tư công.

Trong khi đó, đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, các chuyên gia kinh tế của IMF cũng cho rằng triển vọng tăng trưởng trong năm nay của Mỹ là thấp hơn nhiều so với dự đoán. IMF có thể điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ xuống chỉ còn 2,2% và 2,5% trong các năm 2016 và 2017.   

Trước thềm Hội nghị G20, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu cần hành động mạnh hơn và thực thi các chính sách toàn diện để giúp vực dậy nền kinh tế thế giới.

Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu thực thi các chính sách toàn diện để giúp vực dậy nền kinh tế thế giới. Ảnh: sigmalive.com

Theo bà Lagarde, IMF nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay, khi triển vọng kinh tế hiện khá ảm đạm với nhu cầu yếu, đầu tư và thương mại trì trệ, trong lúc tình trạng bất bình đẳng gia tăng.

Năm 2016 là năm thứ 5 liên tiếp nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở dưới mức bình quân 3,7% được ghi nhận trong các năm 1990-2007. Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1990, kinh tế thế giới chứng kiến thời gian tăng trưởng trì trệ dài như vậy.

Số liệu lạm phát và thất nghiệp của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) công bố ngày 31/8 đã không được như dự báo của các nhà phân tích và có thể buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ sớm tung thêm các biện pháp kích thích.

Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu cho biết giá tiêu dùng tại Eurozone tăng 0,2% trong tháng Tám, bằng với tháng Bảy, trong khi mục tiêu của ECB là 2% và tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực không thay đổi (vẫn là 10,1%). Các nhà phân tích tham gia khảo sát của công ty dịch vụ tài chính Factset đã dự báo lạm phát sẽ là 0,3% và tỷ lệ thất nghiệp là 10% ở khu vực đồng tiền chung gồm 19 thành viên.

Còn tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á là Hàn Quốc, nợ hộ gia đình trong quý II/2016 đã tăng lên 1.257.300 tỷ won (1.130 tỷ USD), mức cao nhất trong số các nền kinh tế mới nổi, và đe dọa bóp nghẹt chi tiêu tiêu dùng. Điều này đã khiến Chính phủ Hàn Quốc phải can thiệp để hạn chế khả năng dẫn tới một vụ đổ vỡ của thị trường. Kinh tế Hàn Quốc trong quý II/2016 bất ngờ tăng mạnh 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, đà tăng này rất có thể sẽ chỉ tạm thời bởi xuất khẩu của Hàn Quốc đang yếu, bên cạnh đó, thị trường việc làm trong thời gian tới sẽ còn chứng kiến nhiều người bị mất việc do ngành vận tải biển và công nghiệp đóng tàu tiến hành rà soát, cắt giảm nhân sự dôi dư.

Xem tiếp phần II

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục