Kinh tế Trung Quốc – Tiềm ẩn những nỗi lo

11:56' - 16/11/2016
BNEWS Nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ “dậm chân tại chỗ” sau hơn hai thập kỷ tăng trưởng nóng

Kinh tế Trung Quốc quý 3/2016 tăng trưởng 6,7%, giữ nguyên so với mức tăng trưởng của quý 1 và quý 2. Đây đồng thời cũng là con số dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc cả năm 2016 và được xem là đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, nó vẫn khiến nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ “dậm chân tại chỗ” sau hơn hai thập kỷ tăng trưởng nóng.

Phóng viên BNEWS phỏng vấn TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) xoay quanh câu chuyện phát triển của quốc gia này.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR). Ảnh: BNEWS

BNEWS: Ông nhận định thế nào về mức tăng trưởng GDP 6,7% trong quý 3/2016 mà Trung Quốc vừa công bố?

TS. Phạm Sỹ Thành: Tôi cho rằng về mặt bản chất thì kinh tế Trung Quốc đang trong chu kỳ suy giảm kéo dài và việc sử dụng các số liệu kinh tế do Trung Quốc công bố không phải là trọng tâm để hiểu một về sức khỏe nền kinh tế quốc gia này.

Theo nhiều nghiên cứu độc lập khác nhau, con số tăng trưởng quý 3/2016 của Trung Quốc dao động trong khoảng từ 5 – 7 điểm phần trăm. Tuy nhiên, với việc đưa ra con số mức 6,7%, tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc đang nhấn tới trọng tâm của các chính sách kinh tế hiện nay là ổn định tăng trưởng.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc trong việc giữ bình ổn thị trường, cũng như là tạo ra các nguồn lực và cả sự chuẩn bị thời gian để họ thực hiện các giải pháp xử lý về đòn bẩy tài chính, khoản nợ quy mô lớn của doanh nghiệp và hệ thống tài chính tiền tệ.

Tuy nhiên, điều này dẫn đến một vấn đề khác, đó là khi chúng ta nhìn vào số liệu tăng trưởng kinh tế, rõ ràng mức giao động chỉ số tăng trưởng 6,5 – 7% là vẫn tương đối lớn so với sức khỏe kinh tế, cũng như là giai đoạn phát triển hiện nay của Trung Quốc.

Nó cho thấy là mặc dù Chính phủ Trung Quốc nghiêng về việc muốn giữ ổn định sức khỏe tăng trưởng nhiều hơn, thì dường như các cam kết của họ về tái cân bằng nền kinh tế, cùng những cải cách triệt để mà Chính phủ đã đưa ra trong nhiệm kỳ này có thể trở thành một mục tiêu ngày càng xa hơn.

BNEWS: Con số 6,7% này cũng được dự đoán là mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong cả năm 2016. Đây là một mức tăng khá khiêm tốn, thấp nhất trong hơn hai thập niên gần đây đối với nền kinh tế này. Theo ông nguyên nhân nào khiến Trung Quốc hạ nhiệt tăng trưởng như vậy?

TS. Phạm Sỹ Thành: Tôi cho rằng sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc không phải là điều khó hiểu. Rõ ràng là mô hình tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khiến cho tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong suốt thời gian qua sẽ là bất khả thi trong thời gian hiện nay.

Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã tạo ra một cụm từ rất quan trọng về mặt tư duy nhận thức về điều hành kinh tế là đề ra khái niệm giai đoạn bình thường mới của kinh tế Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải chấp nhận tăng trưởng thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên, khi phân tích mô hình, chúng ta sẽ thấy là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chủ yếu đi vào lĩnh vực vốn. Một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vay nợ rất lớn và khi sử dụng vốn thì hiệu quả của đồng vốn sẽ giảm dần và liên tục.

Nguyên nhân thứ hai là khi sử dụng quá nhiều vốn vào đầu tư thì sự suy giảm của đầu tư cũng khiến cho tăng trưởng kinh tế suy giảm một cách rõ nét. Ngoài ra, sự chệch hướng của luồng vốn cũng gây ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy luồng vốn chảy vào khu vực sản xuất thật của Trung Quốc đang bị suy giảm, chẳng hạn cứ 100 đồng đầu tư tăng trưởng tín dụng mới thì có khoảng 40 đồng chảy vào sản xuất thật còn 60 đồng chảy đâu đó trong hệ thống tiền tệ để xử lý các vấn đề của hệ thống này.

BNEWS: Khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục dậm chân tại chỗ, thậm chí là suy giảm, thì tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

TS. Phạm Sỹ Thành: Có ba kênh có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế thế giới. Với tư cách là quốc gia có quy mô thương mại hàng hóa lớn nhất toàn cầu hiện nay, sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu thông qua kênh thương mại.

Số liệu nghiên cứu kinh tế toàn cầu cho thấy những quốc gia phụ thuộc xuất nhập khẩu vào Trung Quốc thì sẽ có mức suy giảm rất khác biệt, nhưng ước lượng cho thấy với mỗi điểm phần trăm suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ làm các quốc gia phụ thuộc xuất khẩu vào Trung Quốc như Australia, Hàn Quốc sẽ bị suy giảm tăng trưởng kinh tế từ 1 – 1,6 điểm phần trăm tăng trưởng và những quốc gia phụ thuộc nhập khẩu nhiều vào Trung Quốc, chẳng hạn Việt Nam, Singapore, sẽ bị suy giảm từ 0,6 – 07 điểm phần trăm.

Kênh thứ hai là thông qua giá cả hàng hóa cơ bản. Sự suy giảm về nhu cầu nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc sẽ khiến giá của tất cả hàng hóa cơ bản giảm xuống và điều này sẽ tác động trực tiếp tới các quốc gia có hoạt động thương mại nổi bật.

Kênh thứ ba là thông qua hoạt động tài chính tiền tệ. Sự gắn kết của kinh tế Trung Quốc đối với các nền kinh tế khác trong khu vực đang tạo ra tác động trực tiếp tới tài chính khu vực và toàn cầu. Những tác động này có thể chỉ là tâm lý nhưng nó cũng tạo ra những ảnh hưởng đối với thị trường tài chính ở quy mô toàn cầu.

BNEWS: Vậy đối với Việt Nam thì như thế nào? Sự chững lại của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong suốt thời gian qua có ảnh hưởng gì tới kinh tế Việt Nam?

TS. Phạm Sỹ Thành: Theo tôi, Việt Nam cũng sẽ chịu tác động từ hoạt động xuất nhập khẩu. Khi kinh tế Trung Quốc bị chững lại thì các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vốn đã bị hạn chế bởi các rào cản kỹ thuật sẽ gặp thêm các khó khăn do đối diện với sự suy giảm về nhu cầu.

Thứ hai nữa là tác động về mặt tâm lý khi mà động thái phá giá tiền tệ của Trung Quốc trong năm 2015 cũng là một trong những nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh linh hoạt hơn về chính sách tỷ giá và điều này cũng tạo ra những xáo trộn không nhỏ đối với thị trường tài chính của Việt Nam.

BNEWS: Xin cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục