Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Nhiều ý kiến đóng góp vào dự án Luật Thủy sản (sửa đổi)

15:41' - 20/06/2017
BNEWS Sáng 20/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng cần cân nhắc việc cho người nước ngoài thuê mặt nước nuôi trồng thuỷ sản.

* Cân nhắc việc cho người nước ngoài thuê mặt nước nuôi trồng thuỷ sản

Các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật để phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, nguồn lợi thủy sản không phải là một nguồn tài nguyên vô tận, cần phải được bảo vệ và có chiến lược phát triển bền vững,

nhất là trong tình hình hiện nay khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng, nhất là ở một số vùng ven biển do tình trạng khai thác thủy sản quá giới hạn cho phép, sự suy giảm của hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Thị Hồng Hà phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Về thẩm quyền giao, cho thuê, thu hồi đất, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc giao UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển bởi vì việc này khó khả thi đối với các dự án có quy mô đầu tư trên diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh.

Mặt khác, đối với mô hình nuôi khơi (nuôi xa bờ), theo Nghị định 51/2014/NĐ-CP về quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền giao, cho thuê từ vùng biển 3 hải lý trở vào;

trong khi đó, do đặc thù của mô hình này là xa vùng bờ nên khó kiểm soát và ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, cần có sự đánh giá tổng hợp của các cơ quan chuyên ngành Trung ương.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định thẩm quyền giao, cho thuê đối với những trường hợp này cho Chính phủ, Bộ và cần quy định chi tiết trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ liên quan trước khi giao, cho thuê mặt nước.

Ngoài ra, việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là một chủ trương đúng đắn để phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc quy định cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản là phương thức mới, diện tích vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam rộng lớn với gần 1 triệu km2, tiếp giáp với nhiều quốc gia.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng một số vấn đề về quốc phòng - an ninh để bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.

Đại biểu Vương Văn Sáng (Lào Cai) đề nghị không quy định cá nhân, tổ chức Việt Nam chuyển nhượng, cho thuê lại với tổ chức, cá nhân nước ngoài để tránh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cũng đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương các cấp đối với các tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển đề nuôi trồng thủy sản cũng như các hoạt động thủy sản diễn ra tại địa phương.

Việc thu hồi mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản cũng cần được quy định rõ hơn việc Nhà nước thu hồi diện tích mặt nước biển đã giao, cho thuê, nếu trong quá trình sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản mà các tổ chức, cá nhân được xác định là có biểu hiện gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng an ninh.

“Đề nghị cần nghiên cứu trong dự án Luật để hạn chế giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân là người Việt Nam nhưng trong quá trình hoạt động sản xuất lại do các tổ chức, cá nhân nước ngoài đứng sau để chỉ đạo, điều hành, thao túng”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Góp ý về thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, thời gian giao, cho thuê tối đa 20 năm và gia hạn thời gian thuê theo quy định tại khoản 5 Điều 44 mà không quy định thời gian tối thiểu là phù hợp với thực tiễn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, đối với ngành nuôi trồng thủy sản, 20 năm là đủ cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng.

* Băn khoăn về việc thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh

Tại phiên thảo luận, một trong những nội dung được các đại biểu tập trung cho ý kiến là chế định về lực lượng kiểm ngư.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, chiến lược biển Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Vì vậy, việc nuôi trồng, khai thác thủy sản phải gắn với an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy chỉ rõ, thời gian qua, lực lượng kiểm ngư trên biển còn thưa thớt, lực lượng thanh tra chuyên ngành hoạt động chưa hiệu quả vì thiếu kinh phí, giới hạn về quyền hạn, phương tiện cũ kỹ, lạc hậu.

Vì vậy, cần có lực lượng kiểm ngư thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và phối hợp với các lực lượng khác hỗ trợ ngư dân.

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, cần thành lập kiểm ngư cấp tỉnh, ở một số tỉnh có biển và một số tỉnh biên giới có sông lớn chảy qua, có nguồn lợi thuỷ sản phong phú để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản kết hợp với bảo vệ an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng thành lập ồ ạt các chi cục kiểm ngư cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị, Chính phủ cần phân cấp cho UBND cấp tỉnh chỉ thành lập kiểm ngư cấp tỉnh theo phương án không tăng biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ,

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thị Phúc phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng bên cạnh lực lượng Kiểm ngư trung ương, cần thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đánh giá, trong những năm qua, với mô hình tổ chức từ trung ương đến vùng, mặc dù kiểm ngư Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm trên biển song với phạm vi ngư trường rộng lớn, lực lượng mỏng nên hoạt động kiểm ngư còn có những khó khăn nhất định.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, một trong những vấn đề mà cử tri rất bức xúc là việc sử dụng ngư cụ để khai thác thủy sản mang tính tận diệt đang ngày càng gia tăng. Do vậy, cần thiết có lực lượng thực thi pháp luật đủ mạnh như kiểm ngư để bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Phạm Tất Thắng chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Trong khi đó, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng kiểm ngư trung ương (có các chi cục tại các vùng gọi là kiểm ngư vùng) như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống kiểm ngư cấp tỉnh;

nhưng có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản, luật hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư trong dự thảo Luật.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, nếu thành lập lực lượng kiểm ngư ở cấp tỉnh có thể làm tăng biên chế./.

Xem thêm:

>>>Quốc hội thông qua hai dự án Luật

>>>Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) giải quyết những phát sinh từ thực tiễn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục