Làm gì để giảm ô nhiễm không khí do bụi mịn và sương mù quang hóa?

16:20' - 25/12/2019
BNEWS Để ngăn ngừa và kiểm soát được hiện tượng bụi mịn, sương mù quang hóa về lâu dài cần phải giảm lượng khí hyđrocacbon và nitrogen oxides thải ra từ động cơ xe, quá trình sản xuất công nghiệp.
Khu vực Đại lộ Thăng Long chìm trong màn sương bụi mù mịt lúc 8h30’ sáng 12/11/2019. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc có sự khác biệt so với Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đều được cộng đồng quan tâm, nhất là thời điểm giao mùa, mùa đông do hiện tượng nghịch nhiệt, sương mù quang hóa, cản trở tầm nhìn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng.

Tác động lớn

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Xu hướng biến động của bụi mịn tại khu vực phía Bắc phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Trong các đô thị, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại thành phố Hà Nội ở mức cao nhất bởi thời gian giao mùa có sự biến động do hiện tượng nghịch nhiệt hay đốt rơm rạ trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, chất lượng không khí tại Hà Nội chịu ảnh hưởng của hoạt động giao thông nên ô nhiễm không khí tăng cao vào khoảng thời gian 7-9 giờ và 18-20 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, trong các thời điểm giao mùa, diễn biến chất lượng không khí không theo quy luật thông thường do thời tiết hanh khô cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, ô nhiễm tăng cao vào thời gian về đêm và sáng sớm.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Trong một số ngày của tháng 12/2019, các lớp nghịch nhiệt xuất hiện ở độ cao từ 500-1.500m kết hợp với điều kiện lặng gió ở bề mặt khiến tình trạng sương mù dày đặc bao phủ Hà Nội và các vùng lân cận từ sáng đến chiều khiến ô nhiễm bụi mịn kéo dài ở mức cao, giảm tầm nhìn và có hại cho sức khỏe.

Đây là dạng sương mù ở tầng bình lưu, hình thành khi không khí lạnh đã có những ngày trước đó ở Bắc Bộ suy yếu và dịch chuyển về phía Đông mang nhiều hơi ấm hơn vào đất liền. Ngày 24/12, Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường, Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air, Air Visual, hơn 50 điểm quan trắc chuyển màu đỏ - mức có hại cho sức khỏe và 6 điểm màu tím - mức  rất có hại cho sức khỏe. Từ ngày 28-31/12, tình trạng này có thể tiếp diễn.

Một số chuyên gia môi trường cho rằng, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở phía Bắc còn do ảnh hưởng của điều kiện địa hình đa dạng với núi thấp, đồi và đồng bằng. Khu vực nội thành Hà Nội và phụ cận là vùng trũng thấp dẫn đến việc tích tụ, khó khăn trong việc đối lưu không khí. Đặc biệt, trong những ngày điều kiện khí tượng hết sức bất lợi cho việc khuếch tán chất ô nhiễm vì khí áp cao, lặng gió, không mưa, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ, các chất ô nhiễm bị ứ đọng dưới mặt đất, không phát tán được.

Vào thời điểm giao mùa cuối mùa mưa, đầu mùa khô hàng năm, điều kiện thời tiết bất lợi ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh làm xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa. Chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu.

Theo các nhà khoa học, sương mù quang hóa là thuật ngữ miêu tả một dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển. Nguyên nhân, do ánh sáng mặt trời phản ứng với các khí thải động cơ phương tiện đi lại, chất thải công nghiệp… tạo ra khí ozone, các loại aldehit gây độc hại cho sức khỏe con người. Khi nồng độ các chất độc trong không khí cao, không khí bị tụ đọng không lưu chuyển được và nắng mặt trời chiếu dữ dội thì hiện tượng sương mù quang hóa xuất hiện.

Ở tầng bình lưu, khí ozone có tác dụng bảo vệ trái đất tránh khỏi tác động của tia cực tím. Tuy nhiên, khi ở gần mặt đất, nồng độ lại cao sẽ giết chết mô thực vật, khiến cây cối bị ảnh hưởng, ảnh hưởng đến những quần xã sinh vật, năng suất ngành nông nghiệp bị giảm, đặc biệt gây nguy hại sức khỏe con người.

Khu vực đường Trần Duy Hưng chìm trong màn sương bụi mù mịt lúc 8h30’ sáng 12/11/2019. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Sương mù quang hóa xảy ra khiến tầm nhìn bị giảm. Nguy hại hơn là tác động có hại đến sức khỏe con người. Hiện tượng này làm giảm chức năng của phổi, gây các bệnh về hô hấp, gây chết tế bào mô và ung thư. Con người sống trong môi trường bị sương mù quang hóa kéo dài có thể mắc phải các bệnh đường hô hấp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ người mắc bệnh hô hấp hiện nay.

Tổng cục Môi trường cho biết, hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh mang tính chu kỳ trong khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm. Ngoài ra, tổng hợp kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và Trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, thời điểm giao mùa có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí, tuy nhiên nồng độ bụi mịn PM2.5 phần lớn vẫn nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn Việt Nam.

Nồng độ bụi mịn PM2.5 có gia tăng, tuy nhiên hiện tượng ô nhiễm không khí chỉ mang tính cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm nhất định. Bụi mịn PM2.5 và chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức xấu hơn trong thời gian đêm và sáng sớm.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện môi trường

Theo các nhà khoa học, cách đơn giản nhất để giảm hiện tượng sương mù quang hóa là mưa và gió. Mưa làm ngưng tụ các chất có hại, rửa trôi khỏi không khí mang lại sự trong lành cho không khí. Gió thổi sương mù quang hóa đi xa, luồng không khí cũ sẽ được thay mới. Tuy nhiên, nơi khác sẽ phải nhận sương mù quang hóa với nồng độ thấp hơn.

Để ngăn ngừa và kiểm soát được hiện tượng bụi mịn, sương mù quang hóa về lâu dài cần phải giảm lượng khí hyđrocacbon và nitrogen oxides thải ra từ động cơ xe, quá trình sản xuất công nghiệp. Đây là vấn đề cần nghiên cứu, có chính sách phù hợp hiện nay.

Người dân cần có các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu những tác động lên cơ thể. Có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản như: Trồng cây xanh, tránh đi ra ngoài khi trời nắng nóng, oi bức, sương mù, hạn chế mở cửa sổ, hoạt động ngoài trời vào đêm và sáng sớm, đeo khẩu trang chống bụi mịn khi đi ra ngoài, bổ sung thêm rau củ, trái cây.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, UBND các thành phố cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, chủ động ban hành các quy định kiểm soát ô nhiễm không khí ngay từ nguồn phát sinh phù hợp với điều kiện địa phương, đặc biệt là nguồn thải từ các phương tiện giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, dân sinh.

Nhằm cải thiện từng bước chất lượng môi trường không khí, các thành phố đã triển khai đồng bộ từ việc ban hành các chỉ thị, quy định và tổ chức các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát các nguồn thải từ phương tiện giao thông, công nghiệp...

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng dự thảo các quy chuẩn địa phương phù hợp với điều kiện thực tế (chất lượng không khí xung quanh, mùi, khí thải lò hơi, lò nhiệt, tiếng ồn, rung...), đang đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc không khí tự động liên tục, dự kiến cuối năm 2019 bổ sung 2 trạm và tổ chức định kỳ quan trắc tại 30 vị trí với tần suất 2 lần/ngày và 10 ngày/tháng.

Đoạn đường đầy bụi trên đại lộ Thăng Long đoạn gần khu rẽ vào Thiên đường Bảo Sơn. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Các thành phố cũng đầu tư, cải thiện mạng lưới vận tải công cộng, khí thải các phương tiên công cộng đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2, lắp đặt các trạm nạp khí phục vụ xe bus công cộng; nghiên cứu, chuyển giao mô hình đánh giá và dự báo ô nhiễm không khí EMISENS, FVM, TAPOM; thường xuyên thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường không khí đối với 806 nguồn phát sinh khí thải trên địa bàn. Có 781/806 nguồn đã có hệ thống xử lý khí thải, số còn lại đang được cơ quan thẩm quyền đôn đốc hoàn thành trong năm 2019.

Năm 2019-2020, Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản phối hợp thực hiện “Khảo sát thu thập dữ liệu để phát triển Hệ thống đo lường, báo cáo và kiểm chứng trong ngành Đường sắt đô thị ở Việt Nam”, nhằm cung cấp dữ liệu tin cậy và phương pháp luận khoa học để Thành phố Hồ Chí Minh có thể giám sát hoạt động của các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai.

Phát triển hệ thống đường sắt đô thị không chỉ là lựa chọn tiềm năng để giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà còn là một giải pháp hiệu quả cho vấn đề tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.

Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để hạn chế ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị địa điểm lắp đặt 50 - 70 trạm quan trắc cố định và trên cao để quan trắc chất lượng không khí, môi trường nước.

Các sở, ngành, đơn vị phối hợp xử lý xe chở vật liệu xây dựng rơi vãi, chỉ đạo các hoạt động về bếp than tổ ong, trách nhiệm của các công ty vệ sinh môi trường trong thu gom xử lý rác... Đặc biệt, Sở Xây dựng, các quận, huyện tiếp tục đôn đốc việc xử lý ô nhiễm ở các ao hồ trên địa bàn.

UBND các tỉnh, thành phố cũng tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về quản lý chất lượng không khí, công khai thông tin về chất lượng không khí trên các phương tiện truyền thông, xây dựng đề án tính tải lượng phát thải giao thông cơ giới đường bộ, làm cơ sở xây dựng các quy định cấp hạn ngạch xả thải và nghiên cứu, xây dựng quy định giảm thiểu phát thải ô nhiễm không khí và khí thải nhà kính.

Cơ quan chức năng cập nhật và công bố thường xuyên thông tin chất lượng không khí trong thành phố cũng như thông tin các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường cho cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

>>> Người tiêu dùng hoang mang giữa "biển" khẩu trang chống bụi mịn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục