Làm gì để khai thác nguồn vốn ưu đãi cho xóa đói giảm nghèo?

13:34' - 09/11/2017
BNEWS Nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi ngày càng lớn trong khi nguồn vốn ưu đãi có hạn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân.

Vốn tín dụng chính sách ưu đãi thời gian qua đã tạo điều kiện, giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn…

Tuy nhiên, nhận định tại buổi tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức ngày 9/11, các ý kiến cho rằng, nhu cầu vốn ưu đãi cho giảm nghèo và phát triển kinh tế ngày càng lớn, nhưng nguồn tín dụng lại có hạn. Vì thế, cần có cơ chế tập trung nguồn vốn để thực hiện tốt Chương trình tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tăng cường vốn ưu đãi cho xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao gồm chương trình hộ nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm, đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình và một số chương trình, dự án cho các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thực hiện.

Tính đến hết tháng 9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 169.000 tỷ đồng, gấp 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, thông qua vốn vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho con em đi học, đi xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện đời sống. Nhiều người nghèo đã tự vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời tạo ra nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, công ăn việc làm cho những hộ nghèo khác.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sĩ Lợi, nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi ngày càng lớn trong khi nguồn vốn ưu đãi có hạn, vốn tín dụng ngân hàng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, xa…

Chia sẻ về thực tế sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, ông Nguyễn Quốc Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn – TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho hay, nhờ vốn ưu đãi, các hộ tiêu biểu như anh Điêu Văn Dưỡng ở bản Nghé Toong, phường Na Lay, huyện Mường Lay, tỉnh Điện Biên vươn lên vượt khó.

Với số tiền vay, anh Dưỡng đầu tư làm gạch không nung với công suất trên 30.000 viên/tháng; cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Xưởng gạch của anh Dưỡng đã tạo việc làm cho 6 lao động trên địa bàn với thu nhập ổn định từ 2,5 triệu đồng/tháng.

Một tấm gương tiêu biểu khác là hộ anh Phàn Văn Pèng tại thôn Nặm Quăng, xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Anh thuộc diện hộ nghèo ở xã và năm 2010, anh đã vay 20 triệu đồng để phát triển kinh tế. Anh Pèng đã mua 1 con trâu cái về nuôi, trồng thêm 1ha cỏ làm thức ăn. Đến năm 2015, anh Pèng đã thoát nghèo với đàn trâu 5 con và trả hết nợ cho ngân hàng, nuôi thêm được lợn, gà, trồng lúa…

Theo ông Nguyễn Quốc Văn, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua hệ thống Đoàn thanh niên đã không ngừng được đẩy mạnh cả về chất và lượng. Song thực tế cho thấy, số tiền được vay còn ít để phát triển kinh tế. Hiện nay, mức vay tối đa cho hộ nghèo là 50 triệu đồng, số tiền trên chỉ đủ để xây dựng chuồng trại, hoặc mua con giống với số lượng nhỏ.

Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc thành lập các mô hình, mở rộng quy mô, hạn chế hiệu quả trong sản xuất kinh doanh…

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, mức cho vay hiện nay đối với một hộ vẫn khá thấp, cần phải được điều chỉnh để phù hợp với tình hình giá cả thực tế hiện nay.

Tại các làng, bản thuộc các phường, thị trấn địa bàn không thuộc vùng nông thôn, không thuộc đối tượng vay vốn, nhưng còn tồn tại nhiều hộ gia đình chưa được dùng nước sạch. Các hộ này không được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, và chất lượng đời sống còn thấp.

Tập trung nguồn vốn trong và ngoài nước

Nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội ủy thác qua các tổ chức đã phần nào giúp các hộ nghèo, thanh niên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nguồn vốn này, ông Nguyễn Quốc Văn cho rằng, Chính phủ có thêm nhiều chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay cho đối tượng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, các hộ nghèo, chính sách.

Đồng thời, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội nghiên cứu tìm hiểu tạo cơ chế hình thành Quỹ khởi nghiệp trên cơ sở hạt nhân từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tăng cường đào tạo tập huấn và khơi dậy ý chí vươn lên vượt khó, làm giàu tại các địa phương, ông Nguyễn Quốc Văn cho biết thêm.

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, thời gian tới,Ngân hàng Chính sách Xã hội cần chủ động xây dựng phương án huy động vốn theo cơ chế hiện hành và trình cơ quan có thẩm quyền bổ sung các nguồn khác để đảm bảo có thêm vốn vay cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tập trung nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ…

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách, với vai trò của mình, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động vốn, vay tái cấp vốn, đảm bảo nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác…

Bà Giang cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cân đối, phân bổ nguồn vốn kịp thời để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo các chương trình tín dụng chính sách. Các bộ, ngành cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức quốc tế cho công tác giảm nghèo, đồng thời có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn này…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục