Làm gì để tăng cường quản lý nguồn thu?

15:02' - 12/07/2019
BNEWS Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà Bộ Tài chính đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019
Sáu tháng đầu năm 2019, ngành tài chính đã đạt được kết quả tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật nhất là ngành đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra sáng 12/7 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà Bộ Tài chính đã đạt được. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành tài chính cần tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương ngân sách tài chính, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm bội chi ngân sách trong phạm vi Quốc hội cho phép...
* Thu ngân sách Trung ương cao nhất trong 5 năm
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, đến hết tháng 6/2019, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, thu nội địa đạt 51,1% dự toán, tăng 13,6% so với cùng kỳ 2018; thu dầu thô đạt 68% dự toán, tăng 0,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 59,8% dự toán, tăng 13,7%.
Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Cả thu ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều đạt khá; trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 51,5% dự toán, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu ngân sách địa phương đạt 54,3% dự toán với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết vẫn còn một số khó khăn về thu ngân sách Nhà nước. Đó là, 3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tiến độ thu từ tháng 5 đến nay tuy có cao hơn cùng kỳ nhưng có dấu hiệu chậm lại và thấp hơn so với mức bình quân chung (tương ứng đạt 46,1%, 47,3% và 48,9% dự toán).
Về chi ngân sách Nhà nước trong 6 tháng qua đạt 666,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán. Việc quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, theo đúng dự toán. Ngân sách Trung ương đã sử dụng dự phòng khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng, để hỗ trợ một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ và phòng chống dịch, dập dịch tả lợn châu Phi; xuất cấp 59,1 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ cho nhân dân và học sinh vùng khó khăn.
Cân đối ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm được đảm bảo. Theo đó, ngành tài chính phát hành 112,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách Trung ương theo dự toán và nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội.
Chia sẻ thêm, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố cho biết, thu ngân sách Nhà nước 6 tháng trên địa bàn đạt kết quả khả quan và đang phấn đấu thu đạt và vượt dự toán ngân sách năm 2019.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho biết, ngay từ đầu năm, thành phố đã tăng cường kỷ cương kỷ luật ngân sách Nhà nước, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Bình, thu ngân sách vẫn còn những khó khăn như diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp và hộ nông dân. Hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố còn bất cập như sự quá tải của hệ thống giao thông. Việc cần làm là ngành tài chính cần khắc phục tình trạng bỏ sót nguồn thu, chống thất thu thuế.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ cũng cho biết, việc triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm gặp khó khăn do nguyên nhân biến đổi khí hậu; nông nghiệp sụt giảm, giá cá tra giảm mạnh, giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt thấp, chỉ hơn 24%, do công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp khó khăn.
* Tăng cường quản lý thu
Ghi nhận những kết quả của ngành tài chính, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ những khó khăn hiện tại của ngành và cần giải quyết trong thời gian tới; trong đó có vấn đề giải ngân, cổ phần hoá tuy có thực chất và hiệu quả nhưng vẫn còn chậm...
Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị trong thu ngân sách về dài hạn ngành phải rà soát lại tỷ lệ động viên, tính toán điều chỉnh chính sách thu nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và tăng tỷ lệ điều tiết ở một số lĩnh vực nhằm vừa bảo đảm sản xuất, vừa bảo đảm nguồn thu, lộ trình điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT...
Theo Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương để làm tốt quản lý thu ngân sách Nhà nước; rà soát, nắm chắc nguồn thu; tiếp tục mở rộng cơ sở thuế; chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu, giảm bớt phạm vi và tỷ lệ quản lý thuế theo phương pháp khoán; rà soát và xác định lại các mức thuế khoán để phù hợp với tình hình thực tế.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính cần tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương về ngân sách tài chính, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm bội chi ngân sách trong phạm vi Quốc hội cho phép; rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, ngành tài chính thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành tăng cường kiểm soát tạm nhập tái xuất, thu hút FDI một cách chọn lọc, đấu tranh quyết liệt đầu tư chui, núp bóng, bảo vệ môi trường... Đồng thời, các đơn vị trong ngành tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá cả, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước, dự báo sát cung - cầu, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng do thiên tai.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, những tháng cuối năm Bộ sẽ tăng cường quản lý, nắm chắc nguồn thu; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý thu ngân sách phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; phấn đấu tăng thu khoảng 5% so với dự toán.
Ngoài ra, Bộ Tài chính điều hành, quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Các bộ, ngành, địa phương quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, theo dự toán; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (cả vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay nước ngoài); tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; không để phát sinh mới nợ đọng xây dựng cơ bản.
Bộ Tài chính cũng sẽ chủ động đánh giá các tác động của các Hiệp định thương mại tự do đến thu ngân sách Nhà nước để chủ động giải pháp điều hành. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2020 - 2022 sát thực tiễn, khả thi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục