Làm gì để thúc đẩy tăng năng suất lao động?

13:10' - 26/09/2018
BNEWS Ngày 26/9, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS) phối hợp tổ chức đối thoại chính sách “Tăng năng suất lao động cho Việt Nam”.
Đối thoại chính sách “Tăng năng suất lao động cho Việt Nam”. Tác giả: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Ngày 26/9, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS) phối hợp tổ chức đối thoại chính sách “Tăng năng suất lao động cho Việt Nam” nhằm thảo luận những phát hiện mới về đo lường năng suất của Việt Nam và những chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động bền vững.

Theo các diễn giả, tăng trưởng năng suất lao động Việt Nam vẫn ở dưới mức cần thiết. Để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, chỉ bằng cách nâng cao năng suất, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Vì lý do đó, năng suất lao động trở thành mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong những năm gần đây. Năm 2019 đang được đề xuất là năm năng suất lao động của Việt Nam.

Ông Peter Girke, Trưởng Đại diện Viện KAS tại Việt Nam cho biết, nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển một cách liên tục và đạt được những thành tựu lớn. Nhưng vấn đề năng suất lao động lại chưa có sự tăng trưởng tương xứng, so với nhiều quốc gia trong khu vực thì Việt Nam đang có vấn đề về năng suất lao động.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam gấp hai lần năng suất lao động trung bình của nhóm nước thu nhập thấp, bằng 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và chỉ bằng 18,3% nhóm nước thu nhập trung bình cao.

Năng suất lao động bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017. Tốc độ tăng trưởng bình quân năng suất lao động giai đoạn 2012 – 2017 là 5,3%. Đặc biệt, năm 2015 tăng trưởng năng suất lao động đạt tốc độ cao nhất với 6,49%.

Tuy nhiên, năm 2015, năng suất lao động ngành của Việt Nam hầu hết ở mức thấp nhất trong tương quan so với các nước so sánh. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất, xếp sau Campuchia ở ba ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng, vận tải, kho bãi và truyền thông.

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia ở các nhóm ngành như nông nghiệp, điện, nước, khí đốt, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa.

Theo ông Thành, năng suất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn thấp, trong khi đây là “lõi” của nền kinh tế cần phải có năng suất cao. Trong dài hạn, một nước muốn có tăng trưởng bền vững thì ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng cần tăng trưởng bền vững.

Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam mặc dù có nhiều lợi thế phát triển, nhưng vẫn nằm trong số các ngành có mức năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế. Ông Thành cho rằng, muốn kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững thì những cải cách thể chế, hành chính phải làm cho năng suất lao động tăng.

Thực tế cho thấy, những nước thành công như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…. có giai đoạn tăng trưởng rất nhanh thì việc tăng năng suất là vấn đề “lõi”. Các nước này có chương trình về thúc đẩy tốc độ phát triển năng suất và có giai đoạn năng suất lao động tăng rất mạnh.

Ông Thành kiến nghị, đây là thời điểm Việt Nam cần xây dựng phong trào tăng năng suất lao động giống như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đã từng thực hiện trong giai đoạn trước đây. Không chỉ coi năng suất là vấn đề trong doanh nghiệp mà khu vực các cơ quan nhà nước và người dân cần đổi mới tư duy, lối sinh hoạt theo hướng tích cực, từ đó năng suất làm việc sẽ được nâng lên.

Theo TS. Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), khu vực FDI giữ vai trò quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của năng suất lao động của Việt Nam. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực FDI phần lớn do lao động dịch chuyển từ khu vực nội địa có năng suất lao động thấp sang.

Để cải thiện đóng góp của khu vực FDI tới năng suất lao động cần chú trọng chất lượng của dòng vốn FDI thu hút thay vì số lượng; tăng cường giám sát của cấp Trung ương và cấp địa phương trong thu hút vốn nước ngoài; đồng thời thí điểm xây dựng vài khu công nghiệp sinh thái chế biến nông, lâm thủy sản. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và có những hành động cụ thể hơn, ông Hùng đề nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục