Làm sao để vận tải xe buýt thu hút hành khách nhiều hơn?

19:33' - 05/09/2019
BNEWS Việc xe buýt sụt giảm sản lượng khách còn xuất phát từ nguyên nhân chưa đáp ứng nhu cầu và tạo sự “thiện cảm” của hành khách, đặc biệt là về thời gian di chuyển không đảm bảo.
 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Đầu tư hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách để phát triển mạng lưới xe buýt Tp. Hồ Chí Minh, qua đó thu hút hành khách đi xe buýt. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý để tăng tính hiệu quả hoạt động của loại hình này. Đây là nội dung chính được trao đổi tại buổi khảo sát của HĐND Tp. Hồ Chí Minh về vận hành và phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn, diễn ra chiều 5/9.
* Sụt giảm do cạnh tranh kém
Hiện Tp. Hồ Chí Minh có 137 tuyến xe buýt với 2.322 phương tiện; trong đó có 99 tuyến trợ giá và 38 tuyến không trợ giá. Trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trợ giá ước đạt 88,6 triệu lượt hành khách, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 39,6% kế hoạch năm 2019.
Theo ông Lê Hoàn, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư (Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Tp. Hồ Chí Minh), việc khối lượng vận chuyển trên các tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá giảm do một số nguyên nhân như số lượng tuyến xe buýt có trợ giá hoạt động hiện nay giảm; một số tuyến có phương tiện hoạt động cũ, không đảm bảo số chuyến hoạt động theo kế hoạch; chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của một số lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chưa tốt.
Ngoài những nguyên nhân trên, việc xe buýt sụt giảm sản lượng khách còn xuất phát từ nguyên nhân chưa đáp ứng nhu cầu và tạo sự “thiện cảm” của hành khách, đặc biệt là về thời gian di chuyển không đảm bảo. Trong 7 tháng năm 2019, có hơn 333.000 chuyến xe buýt (chiếm 14%) hoạt động trễ chuyến trên 15 phút, do bị ảnh hưởng của giao thông trên đường, làm ảnh hưởng đến biểu đồ giờ hoạt động.
Theo thống kê, trên các trục chính có mật độ phương tiện cao, vận tốc xe buýt đã giảm dưới 20 km/giờ, khiến thời gian chuyến đi kéo dài, không cạnh tranh được với các phương tiện cá nhân, cũng như các phương tiện công nghệ (như Grab, Be, Goviet…)
Hiện nay Tp. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu thí điểm tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến đường như Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu, tạo góc nhìn mới về loại hình xe buýt di chuyển với tốc độ nhanh, từng bước thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý và Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, làn đường riêng cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu rất khó thành công, bởi phải tính đến làn cho xe ô tô, xe máy... Có thể nghiên cứu thí điểm ở ngoại thành, nơi có quy hoạch giao thông, lộ trình thuận lợi hơn cho xe buýt.
* Xây dựng mô hình quản lý hiệu quả
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, quy hoạch giao thông công cộng phải gắn với quy hoạch đô thị, đây là vấn đề khó khăn nhất bởi chưa phát triển đồng bộ.

Trong khi đó, quy hoạch mạng lưới xe buýt hiện cũng chưa có, bởi vướng vào các quy định trong Luật Quy hoạch. Hiện đơn vị đang xây dựng theo hướng tái cấu trúc mạng lưới xe buýt để kết nối với dự án xe buýt nhanh (BRT).
Trên địa bàn hiện có 4.487 vị trí điểm dừng xe buýt; trong đó 540 nhà chờ xe buýt, 2.570 trụ dừng, 65 biển treo tạm dừng và 1.321 vị trí ô sơn dừng xe buýt. Đặc biệt, có 39/83 vị trí điểm đầu – điểm cuối tuyến xe buýt chưa ổn định, đang sử dụng lòng lề đường để xe buýt đỗ. Điều này gây ảnh hưởng đến thu hút hành khách đi xe buýt và không đảm bảo an toàn giao thông.
Hiện thành phố có 5 dự án đang thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2019 với tổng quy mô 163 trụ dừng, nhà chờ, 163 bảng đèn led và 163 camera. Thành phố đang tiếp tục triển khai các dự án bến xe buýt Lê Minh Xuân, Hóc Môn, Phú Xuân, Kinh Lộ, Bến Súc; đang đề xuất chủ trương đầu tư 3 dự án bến kỹ thuật xe buýt Vĩnh Lộc, bến xe buýt Đa Phước, Tỉnh lộ 10 và 1 dự án kết nối metro.
Để nâng cao chất lượng các điểm dừng đón trả khách, ông Lê Hoàn cho biết, trong năm 2020, dự kiến thành phố sẽ đề xuất 7 dự án cải tạo nâng cấp các điểm dừng xe buýt tại các quận, huyện; trong đó, tập trung đầu tư mới và thay thế các trụ dừng, nhà chờ, trang bị thêm tại các nhà chờ hệ thống camera quan sát, bố trí đèn led chiếu sáng, bảng thông tin trực tuyến. Tổng quy mô đề xuất 254 trụ dừng, 226 nhà chờ, 226 bảng đèn led và 226 camera.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đang nghiên cứu thay đổi dần mô hình hợp tác xã xe buýt hiện nay cho phù hợp thực tế; trong đó, nghiên cứu đề xuất tái cơ cấu các hợp tác xã nhỏ, hướng tới hình thành các đơn vị vận tải có năng lực và ổn định, nhất là tiến tới mô hình hợp tác xã quản lý tập trung (về tài chính, phương tiện và nhân sự).

Điều này sẽ giúp việc quản lý được thuận lợi hơn, hạn chế trường hợp bỏ chuyến, bỏ tuyến như hiện nay.
Chủ tịch HĐND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho rằng, để thu hút hành khách đến với loại hình xe buýt, cần phải tạo sự “thiện cảm” cho người dân; trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ của tài xế, nhân viên trên các tuyến xe buýt.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã có những ứng dựng công nghệ trong quản lý, điều hành mạng lưới xe buýt như thẻ thông minh, bản đồ trực tuyến, hệ thống camera giám sát… Đây là định hướng đúng và cần tăng cường để nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ hành khách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục