Lan tỏa hương “Búp chè vàng”

09:36' - 11/02/2019
BNEWS Với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, cây chè đã giúp người dân ở thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Năng suất bình quân trên 1 ha chè của người dân trong thôn đã đạt từ 10 - 12 tấn (chè tươi). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Đặc biệt, từ khi người trồng chè ở Vĩnh Tân áp dụng phương thức sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm… sản phẩm chè ở đây đã được nhiều người biết đến, góp phần nâng cao vị thế sản phẩm chè của Tuyên Quang.

Vĩnh Tân là thôn đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Làng nghề sản xuất; trong đó, ngành nghề chính là sản xuất chè.

Ông Phạm Ngọc Thảnh, Trưởng thôn Vĩnh Tân chia sẻ, cây chè được trồng ở Vĩnh Tân hơn 40 năm, nhưng khi chè Vĩnh Tân đạt Cúp đồng cuộc thi “Búp chè vàng” tại Festival chè Thái Nguyên lần thứ 2 (2013) thì thương hiệu chè Vĩnh Tân mới dần được khẳng định.

Đặc biệt, năm 2014, Vĩnh Tân được công nhận là Làng nghề sản xuất, từ đó đến nay cây chè đã thực sự mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân trong thôn.

Ông Thảnh cho biết thêm, để phát triển bền vững nghề sản xuất chè, những năm qua, thôn đã vận động người trồng chè áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn.

Theo đó, quy trình chăm sóc, bón phân phải đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách; không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu; phòng trừ sâu bệnh hại bằng các chế phẩm sinh học và đủ thời gian cách ly; việc thu hái, chế biến chè đều đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật…

Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng cao. Hiện nay, năng suất bình quân trên 1 ha chè của người dân trong thôn đã đạt từ 10 - 12 tấn (chè tươi). Đồng thời, giá thành sản phẩm được nâng cao, từ mức 100.000 - 160.000 đồng/kg lên mức 250.000 - 300.000 đồng/kg (chè khô).

Trước đây do chăm sóc không đúng kỹ thuật nên năng suất, chất lượng không cao. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Hiện nay, thôn Vĩnh Tân đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung, với diện tích trên 120 ha. Thôn có 111 hộ dân; trong đó 98% hộ dân trong thôn tham gia sản xuất chè. Nhờ cây chè, nhiều hộ dân trong thôn đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 40 - 45 triệu đồng/người/năm…

Là một trong những hộ dân có thu nhập cao từ cây chè, ông Phạm Văn Đáng, thôn Vĩnh Tân cho biết, gia đình ông có 1 ha chè, trước đây do chăm sóc không đúng kỹ thuật nên năng suất, chất lượng không cao, giá chè cũng thấp nên cuộc sống gia đình rất khó khăn.

Từ khi thôn được công nhận là Làng nghề sản xuất, gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác trong thôn đã chú ý hơn đến việc nâng cao chất lượng cây chè. Được sự hướng dẫn, vận động của cán bộ thôn, nên tất cả các công đoạn sản xuất chè từ chăm sóc, thu hoạch đến sơ chế đều được quản lý chặt chẽ với những nguyên tắc rõ ràng… Hiện mỗi năm gia đình ông có thể thu về từ 250 – 300 triệu đồng từ trồng chè.

Anh Phạm Văn Vịnh, một trong những hộ dân thoát nghèo nhờ cây chè ở thôn Vĩnh Tân chia sẻ, nhờ sản xuất chè theo hướng an toàn nên đầu ra cho sản phẩm rất ổn định, chè làm ra đến đâu tiêu thụ luôn đến đó. Gia đình anh có hơn 1 ha chè, với giá chè Vĩnh Tân như hiện nay, mỗi năm có thu nhập khoảng 300 – 400 triệu đồng.

Ngoài hai hộ ông Đáng và anh Vịnh, thôn Vĩnh Tân còn rất nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ sản xuất chè như hộ ông Phạm Văn Rẫn, Phạm Văn Ngãi, Phạm Văn Thách…

Nhờ cây chè, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Trưởng thôn Phạm Ngọc Thảnh cho biết, thôn đang tích cực đưa các sản phẩm chè tham gia các hội chợ thương mại, quảng bá sản phẩm để ngày càng có nhiều người biết đến thương hiệu chè Vĩnh Tân.

Bên cạnh đó, vận động người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc, thu hái chè; đặc biệt chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo sản xuất chè theo hướng an toàn.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trải nghiệm tại thôn như: kết hợp với Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào mở các tour, tuyến du lịch sinh thái; khách du lịch sẽ được trải nghiệm cách chăm sóc, hái chè, chế biến chè và thưởng thức sản phẩm mình làm ra ngay tại thôn...

Nhờ cây chè, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động người trồng chè phát triển diện tích chè theo hướng an toàn; thay thế giống chè cũ năng suất thấp bằng một số giống mới cho năng suất, giá trị cao như: Ngọc Thúy, Bát Tiên…

Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, xây dựng trang thông tin để quảng bá về các sản phẩm chè của xã… Qua đó, từng bước giúp người dân gắn bó và phát triển kinh tế bền vững từ cây chè./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục