Lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khiến khách hàng mua dầu của Iran “chùn bước"

17:59' - 31/05/2018
BNEWS Xuất khẩu dầu thô của Iran giảm nhẹ trong tháng Năm, là dấu hiệu đầu tiên cho thấy lệnh trừng phạt của Mỹ có thể đã khiến các khách hàng của Iran “chùn bước”.

Giám đốc điều hành Petro-Logistics có trụ sở đặt tại Geneva (Thụy Sỹ), Daniel Gerber ước tính lượng dầu thô xuất khẩu của Iran sụt giảm hơn 100.000 thùng/ngày so với mức cao trong tháng Tư. Nhưng các khách hàng chưa “vội vàng” cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Một cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark. Ảnh: AFP/TTXVN

Thời gian gần đây, Mỹ đã liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể tại Iran. Các động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 8/5 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký hồi năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Mỹ cộng với Đức).

Tehran cho biết đã xuất khẩu 2,6 triệu thùng dầu/ngày trong tháng Tư, mức cao kỷ lục kể từ khi lệnh trừng phạt đối với nước này được dỡ bỏ tháng 1/2016 sau khi thỏa thuận hạt nhân kể trên được ký kết.

Theo số liệu từ hãng tin Reuters, kể từ sau thông báo của Tổng thống Trump, xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm xuống còn chừng 2,5 triệu thùng/ngày trong tháng Năm, giảm khoảng 100.000 thùng/ngày so với tháng Tư.

Tuy nhiên, lượng dầu xuất khẩu của Iran trong tháng Năm vẫn cao hơn khá nhiều so với mức bình quân trong 12 tháng trước, khi các nhà lọc dầu châu Âu vẫn tiếp tục mua hàng từ Iran.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Bijan Zanganeh ngày 19/5 phát biểu rằng hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước này sẽ không biến động nhiều nếu Liên minh châu Âu (EC) có thể "cứu" được thỏa thuận JCPOA.

Trong một thông tin liên quan, ngày 30/5, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh đã đặt hạn chót 60 ngày để "người khổng lồ" về năng lượng Total của Pháp tiến hành thương lượng nhằm được miễn trừng phạt từ Washington, nếu không sẽ mất thị phần trong một dự án khí đốt trị giá hàng tỷ USD tại Iran.

Hiện Total là công ty phương Tây duy nhất ký một thỏa thuận đầu tư trong lĩnh vực năng lượng của Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch JCPOA có hiệu lực. Total ký thỏa thuận hồi tháng Bảy năm ngoái, trở thành đối tác hàng đầu trong dự án trị giá 4,8 tỷ USD nhằm phát triển mỏ khí đốt South Pars 11, cùng với các đối tác khác là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) và tập đoàn dầu khí quốc gia Iran Petropars.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận từ đầu tháng 5/2018 và cảnh báo sẽ tái áp đặt toàn bộ các trừng phạt vào tháng 11 tới, Total cho hay sẽ khó có thể tiếp tục làm ăn tại Iran nếu không nhận được quyền miễn trừ đặc biệt từ Washington.

>>>Mỹ nêu điều kiện cho một thỏa thuận hạt nhân Iran mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục