LGIM cảnh báo giai đoạn "xanh hóa" nhiều khó khăn cho giới đầu tư

08:06' - 31/03/2023
BNEWS Quỹ quản lý đầu tư chung và pháp lý (LGIM), nhà quản lý tài sản lớn nhất Vương quốc Anh, mới đưa ra cảnh báo các doanh nghiệp và thị trường tài chính.
Quỹ quản lý đầu tư chung và pháp lý (LGIM), nhà quản lý tài sản lớn nhất Vương quốc Anh, mới đưa ra cảnh báo các doanh nghiệp và thị trường tài chính đã không đánh giá được những rủi ro của biến đổi khí hậu, cho rằng các nhà đầu tư cần “thắt dây an toàn” để chuẩn bị cho "con đường gập ghềnh” phía trước.

 
LGIM, tổ chức quản lý khối tài sản trị giá hơn 1.200 tỷ bảng Anh (1.479 tỷ USD), ngày 28/3 cảnh báo việc trì hoãn chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp có thể khiến giá cổ phiếu toàn cầu thấp hơn 30% so với mức giá đạt được nếu quá trình chuyển đổi nhanh chóng. Ngoài ra, 25% các công ty hiện đang phát hành trái phiếu đầu tư có thể bị hạ thấp thứ hạng nếu không đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trưởng bộ phận giải pháp khí hậu tại LGIM, ông Nick Stansbury, cho biết LGMI không tin rằng các nước sẽ đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mặc dù chi phícủa việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp trở nên “rẻ một cách thể không thể tin nổi”.

Theo thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, lý tưởng nhất là mức tăng dưới 1,5 độ C. Tuy nhiên, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) tuần trước cảnh báo có nhiều khả năng nhiệt độ trái đất sẽ tăng 1,5 độ C trong tương lai gần.

Theo báo cáo của LGIM, khoa học và kỹ thuật đã giúp giảm chi phí và cung cấp công nghệ cần thiết cho hệ thống năng lượng carbon thấp. Thách thức cấp bách nhất hiện nay là phân bổ nhanh chóng nguồn vốn và đưa ra các chính sách để hỗ trợ quá trình chuyển đổi.

Báo cáo đánh giá: "Thế giới có thể dễ dàng chịu các chi phí liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Song cơ hội để đạt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C đang khép lại với tốc độ đáng lo ngại".

Theo báo cáo, quá trình chuyển đổi để đạt mức tăng nhiệt độ trái đất ở dưới ngưỡng  2 độ C chỉ giảm tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu hàng tháng ở mức khiêm tốn 0,01%  trong 25 năm tới, mặc dù tỷ lệ này thay đổi theo khu vực với các thị trường mới nổi chịu tác động lớn hơn. Báo cáo chỉ ra rằng gánh nặng lạm phát của quá trình chuyển đổi carbon thấp ở Nigeria lớn hơn ít nhất bốn lần so với ở Anh.

Trong khi chi phí chuyển đổi hiện nay là thấp, nếu thế giới tiếp tục trì hoãn thêm một thập kỷ nữa và sau đó buộc phải nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải, áp lực lạm phát và bất ổn địa chính trị sẽ gây ra những rủi ro rất nghiêm trọng cho các nhà đầu tư. Ông Stansbury nhấn mạnh những hệ lụy tài chính từ việc trì hoãn ứng phó với biến đổi khí hậu đang bị đánh giá thấp.

LGIM cho rằng biện pháp tốt nhất để giảm lượng khí thải toàn cầu là đưa ra mức giá carbon hiệu quả, thông qua thuế trực tiếp, cơ chế thương mại với mức trần hoặc trợ cấp chính phủ cho các nguồn năng lượng xanh.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoảng 23% lượng khí thải trên toàn cầu phải chịu mức giá trung bình 6 USD/tấn CO2, mức quá thấp để khuyến khích các công ty thay đổi mô hình kinh doanh.

LGIM nhận định giá carbon có thể tăng lên khoảng 900 USD/tấn vào giữa thế kỷ này nếu các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư hành động nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Cảnh báo của LGIM được đưa ra khi một số nhà đầu tư bắt đầu tính toán tác động tài chính của biến đổi khí hậu vào lợi nhuận.

Ngày 28/4, Liên minh chủ sở hữu tài sản trung hòa khí thải (NZAOA) đã đưa ra quy định mới. Theo đó, các thành viên của liên minh phải công bố các chính sách dầu khí trong vòng 12 tháng, đồng thời đưa ra các hạn chế đối với tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cấm đầu tư mới vào các mỏ dầu và khí đốt, cùng các dự án mới sản xuất điện chạy bằng khí đốt không sử dụng  công nghệ thu hồi carbon.

Chủ tịch NZAOA Ginther Thallinger cho biết các thành viên được kỳ vọng sẽ tuân thủ quy định mới hoặc có nguy cơ phải rời khỏi liên minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục