Liệu Nhật Bản có tham gia sứ mệnh bảo vệ tàu Mỹ hay không?

16:12' - 09/05/2017
BNEWS Lãnh đạo Nhật Bản đã lên tiếng về thông tin này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada không khẳng định liệu Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) của nước này có tham gia sứ mệnh đầu tiên bảo vệ một tàu hải quân Mỹ như truyền thông đưa tin tuần trước hay không, mà chỉ nói rằng đã diễn ra một "cuộc diễn tập chung".

Tàu sân bay trực thăng Izumo tại căn cứ hải quân Yokosuka của Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF), ở tỉnh Kanagawa phía Tây Nam Tokyo. Ảnh: AP/TTXVN

Theo hãng tin Kyodo, trao đổi với báo giới ngày 9/5, bà Inada cho biết: "Tôi biết đã có nhiều thông tin về cuộc diễn tập chung giữa 2 tàu khu trục của MSDF và một tàu tiếp tế của quân đội Mỹ từ ngày 1-3/5".

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố "sẽ hạn chế" trong trả lời về việc thực hiện sứ mệnh bảo vệ, bởi điều này có thể ảnh hưởng tới các hoạt động của quân đội Mỹ cũng như quan hệ Mỹ - Nhật.

Ngày 8/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng có những phát biểu tương tự trước một ủy ban quốc hội.

Trước đó, hôm 1/5, hãng tin Kyodo và các kênh truyền thông khác đưa tin, tàu sân bay trực thăng Izumo - một tàu của MSDF - đã lần đầu tham gia sứ mệnh bảo vệ một tàu tiếp tế của Mỹ khi cùng di chuyển ở vùng biển ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, hoạt động được tiến hành theo đạo luật an ninh giữa hai nước có hiệu lực từ năm ngoái.

Theo các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, tàu khu trục Sazanami của MSDF sau đó đã tham gia một hoạt động chung với hải quân Mỹ, kéo dài tới ngày 3/5.

Động thái trên của Tokyo được đánh giá là nhằm thể hiện mối quan hệ bền chặt của liên minh an ninh Nhật - Mỹ, đồng thời hướng tới việc răn đe Triều Tiên trong bối cảnh tình hình khu vực gia tăng căng thẳng liên quan tới các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Đạo luật an ninh mới của Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 29/3/2016, cho phép mở rộng vai trò của MSDF ở nước ngoài và thực thi một cách hạn chế quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ Mỹ và các nước đồng minh khác bị tấn công vũ trang, ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công.

Điều này cũng chấm dứt 70 năm trung thành với chính sách an ninh chỉ hướng tới phòng thủ được quy định trong Hiến pháp Nhật Bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục