Lý giải các nguy cơ giữa EU và Ba Lan

06:30' - 30/01/2018
BNEWS Tờ The Economist (Anh) mới đây đăng bài báo lý giải về các nguy cơ từ cuộc xung đột giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ba Lan hiện nay.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, Ba Lan hiện đang là “cơn đau đầu” đối với EU. Kể từ khi lên nắm quyền từ tháng 10/2015, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đã và đang làm suy yếu hệ thống “kiểm soát và cân bằng” ở Ba Lan.

Sau 2 năm vướng vào xung đột với Vacsava, giới lãnh đạo Brussels dường như đã hết kiên nhẫn. Tháng 12/2017, EU đã chính thức khởi động thủ tục quy định tại Điều 7 của Hiệp ước thành lập EU do nền pháp quyền tại Ba Lan bị đe dọa. 

Các giá trị cốt lõi của EU đã bị đe dọa và xâm phạm nghiêm trọng. Ba Lan có thời hạn 3 tháng để giải trình đối với cáo buộc này. Nếu không, Vacsava có thể sẽ bị tước quyền bỏ phiếu trong EU. 

Tuy nhiên, đây không phải là nguy cơ duy nhất. Thái độ và cách thức giải quyết cuộc xung đột với Ba Lan của ban lãnh đạo EU sẽ tạo ra tiền lệ mà ảnh hưởng của nó thậm chí còn vượt ra cả ngoài biên giới của EU.

Sự quan ngại của EU đối với Ba Lan là có cơ sở. PiS cầm quyền đã nhanh chóng tiến hành cải cách Tòa án Hiến pháp cũng như thay thế vị trí người đứng đầu các hãng phát thanh và truyền hình quốc gia. 

Gần đây, Chính phủ của PiS đã nhắm tới việc cải tổ đội ngũ thẩm phán ở Ba Lan. Hai luật mới về cải cách tư pháp được thông qua hồi tháng 12/2017 đã gia tăng sự chi phối của PiS đối với Hội đồng Tư pháp quốc gia, chịu trách nhiệm đối với việc bổ nhiệm các thẩm phán và Tòa án Tối cao, có thẩm quyền quyết định tính hợp pháp của các cuộc bầu cử. 

Trong khi đó, với chính sách phúc lợi xã hội rộng rãi, PiS luôn dẫn đầu một cách cách biệt so với các đảng đối lập về tỉ lệ tín nhiệm của người dân trong các cuộc thăm dò dư luận. 

Điều này giúp PiS tránh được sự chỉ trích ở trong nước cũng như của quốc tế liên quan đến chương trình cải cách tư pháp do đảng này khởi xướng ở Ba Lan.

Kể từ khi được bổ nhiệm hồi tháng 12/2017, tân Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, người từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng lớn thứ 3 của Ba Lan là WBK, đã tìm cách "hạ nhiệt" căng thẳng giữa Vacsava và Brussels. 

Gần đây, ông Morawiecki đã sa thải một số bộ trưởng có quan điểm cứng rắn khiến uy tín của Ba Lan trong EU và đối với quốc tế bị tổn hại. Ông Morawiecki cũng đã có buổi gặp và thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker.

Nếu EU không hài lòng với giải trình từ phía Ba Lan thì các nước thành viên Liên minh sẽ bỏ phiếu về vấn đề này. Nếu được 3/4 số nước thành viên nhất trí, EU sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu tiếp theo về biện pháp trừng phạt đối với Ba Lan, nhiều khả năng sẽ là chấm dứt quyền bỏ phiếu của Vacsava. 

Tuy nhiên, khả năng này ít trở thành hiện thực bởi cần có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên EU. Chính phủ của PiS có thể dựa vào “đồng minh” là Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong việc ngăn cản động thái này từ phía EU.

Nhìn chung, đa số người dân Ba Lan ủng hộ EU. Tuy nhiên, một bộ phận người dân, được sự khuyến khích của đảng cầm quyền PiS, lại có quan điểm phản đối EU, cáo buộc Liên minh này tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ Ba Lan. 

Điều này khiến giới lãnh đạo tại Brussels lo ngại. Trách nhiệm hiện nay thuộc về các nước thành viên EU. Pháp và Anh đã cho thấy 2 nước này sẽ ủng hộ bất cứ quyết định nào của EU liên quan đến cuộc xung đột với Ba Lan.

Tuy nhiên, các nước thành viên khác lại đang do dự trong việc lên án Ba Lan. Bulgaria, nước đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên EU, hy vọng có thể tránh được bất cứ cuộc bỏ phiếu nào liên quan đến cuộc xung đột với Ba Lan cho đến cuối nhiệm kỳ của mình vào giữa năm 2018. 

Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov khẳng định một cuộc bỏ phiếu về việc trừng phạt Ba Lan sẽ khiến EU “mất ngủ”. 

Việc đảng cầm quyền PiS ở Ba Lan từ chối nhượng bộ liên quan đến các chương trình cải cách tư pháp và việc EU phải tập trung vào giải quyết vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU) khiến cuộc xung đột giữa Brussels và Vacsava có nguy cơ kéo dài. 

Nếu EU thất bại trong việc bảo vệ nền dân chủ ở các nước thành viên, uy tín của Liên minh sẽ bị tổn hại. Các chính quyền ở Minsk (Belarus), Moskva (Nga), Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ hưởng lợi từ thực trạng này.

        

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục