Mạng xã hội: “Mặt tiền” của các hãng thời trang trong kỷ nguyên kỹ thuật số (Phần 1)

06:00' - 24/02/2018
BNEWS Ngày nay, cùng với sự phát triển của mạng lưới Internet, tốc độ phản ứng nhanh trước những xu hướng trên mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng đối với những người kinh doanh sản phẩm thời trang.
Biểu tượng Instagram trên màn hình một máy tính bảng ở Paris, Pháp ngày 20/12/2012. Ảnh: AFP/TTXVN

Ứng dụng chia sẻ ảnh miễn phí Instagram ra đời từ năm 2010 và sau đó phát triển nhanh như vũ bão với gần 700 triệu người dùng hiện nay trên toàn thế giới.

Mỗi khi nghĩ đến ứng dụng này, nhiều người thậm chí còn liên tưởng đến một chiếc tủ kính trưng bày các sản phẩm quảng cáo được nhiều thương hiệu thời trang đình đám sử dụng như một “con át chủ bài” trong chiến lược kinh doanh.

Năm 2017, nhà tạo mẫu thời trang Sulky Doll (tên thật Donna McCulloch) đã phải thốt lên rằng “Instagram chính là mặt tiền cửa hàng của bạn. Ngày nay, người ta không còn yêu cầu danh thiếp nữa mà chỉ muốn biết số điện thoại để kết nối”.

Với gần 20 bộ lọc ảnh được cải tiến cùng với Instagram Stories - tính năng cho phép người dùng đăng những đoạn video ngắn tự động biến mất sau 24 giờ - ứng dụng này đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với những cá nhân làm nghề tự do và cả những doanh nghiệp nhỏ muốn tìm kiếm khách hàng mới.

Ngày càng có thêm nhiều người trẻ bị ảnh hưởng bởi những nhân vật nổi tiếng hay những gì họ nhìn thấy trên các ứng dụng mạng xã hội như là Instagram.

Không chỉ những thương hiệu thời trang xa xỉ mà cả những thương hiệu bình dân "fast fashion" (tạm dịch là 'thời trang ăn liền' được dùng để ám chỉ dòng quần áo bình dân mà các hãng bán lẻ sản xuất hàng loạt với giá tầm trung) cũng nhanh chóng được hưởng lợi từ xu hướng này.

Hiện nay, nhiều thương hiệu sẵn sàng sa thải những nhân viên kỳ cựu đã gắn bó với mình lâu năm để mang về những người trẻ tuổi hơn và có kinh nghiệm làm việc với mạng xã hội.

Ví dụ điển hình nhất là Brooklyn Beckham, cậu con trai cả của nam cầu thủ David Beckham đã được mời làm nhiếp ảnh gia chính cho thương hiệu thời trang đình đám của “xứ sở sương mù” Burberry hồi năm 2016.

Bên cạnh đam mê nhiếp ảnh thì một trong những lý do chính khiến Burberry “để mắt” đến cậu bé 18 tuổi là tài khoản Instagram với gần 6 triệu người theo dõi của cậu. Mỗi chia sẻ của cậu trên Instagram đạt được hàng triệu lượt xem và thích, từ đó tạo sức lan tỏa lớn.  

Ngoài ra, trong nỗ lực cạnh tranh trên mạng xã hội, Burberry còn lập ra một tiểu trang gọi là “Art of the Trench” có kết nối trực tiếp với đường dẫn trên Facebook để giới thiệu một loạt hình ảnh trang phục được mặc trên đường phố. Trên một số ứng dụng, khách hàng có thể đặt mua ngay trang phục mà họ mới nhìn thấy trên sàn catwalk.

Sức ảnh hưởng rộng lớn thực sự là nguyên nhân chính tạo ra sự ưu ái của nhiều tên tuổi trong làng mốt đối với các trang mạng xã hội. Một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Mintel đã phát hiện ra rằng có đến hơn 35% phụ nữ hiện đại ở Mỹ cho biết truyền thông xã hội là một trong những yếu tố tác động đến quyết định mua sắm quần áo của họ.

Dan Arden, Giám đốc kinh doanh của Pink Boutique UK - một trong những thương hiệu thời trang đang phát triển nhanh của Anh, cho rằng mạng xã hội là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang và tác động đến chọn lựa trang phục của phụ nữ trẻ.

Sự phát triển mạnh mẽ mà mạng xã hội mang đến cho lĩnh vực thời trang đã giúp cho ngành này tiến hóa nhanh. Trong năm 2016, có đến 7 trong số 10 phụ nữ mua quần áo trên Internet trong khi doanh thu thời trang trực tuyến trong năm 2017 đã tăng đến 24% so với mức chỉ 17% của năm 2013.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục