Mô hình khách sạn boutique “lên ngôi”

06:38' - 12/12/2016
BNEWS Khách sạn boutique là mô hình khách sạn nhỏ, với quy mô chỉ từ 10 đến 100 phòng, nhưng mang phong cách trang trí nổi bật về nghệ thuật và trẻ trung.
Mô hình khách sạn boutique ngày càng được ưa chuộng. Ảnh: Thestylejunkies

Tập đoàn khách sạn AccorHotels đang có dự định mua lại 30% cổ phần từ chuỗi khách sạn 25hours Hotels của Đức với giá 35 triệu euro (39 triệu USD).

Động thái này chứng tỏ nỗ lực mở rộng hoạt động của AccorHotels trên thị trường khách sạn boutique đang phát triển mạnh mẽ nhằm tránh lặp lại các phong cách thường thấy của các thương hiệu khách sạn phổ biến. 

Khách sạn boutique là mô hình khách sạn nhỏ, với quy mô chỉ từ 10 đến 100 phòng, nhưng mang phong cách trang trí nổi bật về nghệ thuật và trẻ trung.    

Chuỗi khách sạn 25hours Hotels, vẫn sẽ nằm dưới sự điều hành của Giám đốc điều hành, kiêm nhà đồng sáng lập Christoph Hoffmann, hiện đang vận hành bảy khách sạn boutique tại Hamburg, Frankfurt, Berlin (Đức), Zurich (Thụy Sỹ) và Vienna (Áo).

Dự kiến, năm khách sạn nữa cũng sẽ được mở tại Zurich, Munich, Cologne, Dusseldorf (Đức) và Paris (Pháp) trong vòng hai năm tới.  

Giám đốc điều hành của AccorHotels, Sebastien Bazin từ lâu đã cảnh báo các nhà kinh doanh khách sạn truyền thống về sự đe dọa từ các công ty dịch vụ đặt phòng như Airbnb hay các website đặt phòng nghỉ như Expedia, thường hướng khách hàng tới các lựa chọn hợp túi tiền hơn là các khách sạn cao cấp. 

AccorHotels có khả năng sẽ ghép 25hours Hotels vào thương hiệu khách sạn boutique sẵn có của họ là Mama Shelter, sau khi vừa cho ra mắt thương hiệu khách sạn 'Jo&Joe' dành cho giới trẻ hồi tháng 9/2016.  

Tháng Mười vừa qua, tập đoàn khách sạn danh tiếng của Pháp vừa cắt giảm mục tiêu lợi nhuận cho cả năm 2016, giữa bối cảnh hoạt động kinh doanh tại Pháp và Bỉ gặp khó khăn do tâm lý lo ngại về an ninh sau các cuộc tấn công khủng bố tại hai quốc gia này. 

Theo các chuyên gia, sự chú trọng phát triển mô hình khách sạn boutique nói trên là hướng đi mới với triển vọng lợi nhuận đầy hứa hẹn trong bối cảnh lĩnh vực kinh doanh khách sạn trên thế giới vẫn gặp không ít khó khăn khi kinh tế thế giới chưa hồi phục mạnh mẽ như kỳ vọng. 

Tập đoàn AccorHotels cũng đầu tư vào mô hình khách sạn này. Ảnh: Skift

Trong khi đó, theo số liệu công bố gần đây của công ty tư vấn Brand Finance, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), trong số 10 tập đoàn và doanh nghiệp khách sạn có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới năm 2016 thì Mỹ chiếm tới bảy.

Đáng chú ý là ba vị trí đầu tiên đều thuộc về các tập đoàn và doanh nghiệp khách sạn của Mỹ là Hilton Worldwide Holdings (7,81 tỷ USD), Marriott International (5,31 tỷ USD) và Hyatt Hotels Corp (3,45 tỷ USD).

Còn ba thương hiệu khách sạn không đến từ Mỹ có vị trí trong Top 10 là Intercontinental Hotels Group của Vương quốc Anh (2,95 tỷ USD), Accor của Pháp (1,79 tỷ USD) và Shangri-La Asia Ltd của Trung Quốc (1,71 tỷ USD). 

Còn theo cổng thống kê trực tuyến Statisa (Đức), năm 2015, InterContinental Hotels Group là tập đoàn khách sạn có doanh thu cao nhất thế giới với 24 tỷ USD, cao hơn xấp xỉ 10 tỷ USD so với đối thủ xếp ngay phía sau là Marriott International. 

Trong khi một chuỗi khách sạn lừng danh khác là Hilton Worldwide đạt doanh thu xấp xỉ 11,27 tỷ USD năm 2015. 

Trong số các tập đoàn và doanh nghiệp khách sạn có tên trong danh sách thống kê, Choice Hotels có doanh thu thấp nhất với 860 triệu USD, trong lúc Choice có tổng cộng 6.376 khách sạn trên toàn cầu trong năm 2015, nhiều hơn khoảng 1.500 khách sạn so với InterContinental Hotels Group. 

Một số lượng lớn khách sạn của InterContinental Hotels Group được hình thành từ các bất động sản thuộc sở hữu của Holiday Inn Express và Holiday Inn (sở hữu lần lượt 2.425 khách sạn và 1.226 khách sạn).

Các thương hiệu khác cũng thuộc về InterContinental Hotels Group bao gồm Crowne Plaza, Candlewood Suites và Hotel Indigo. Cho dù là một doanh nghiệp Anh, song phần lớn doanh thu của tập đoàn lại đến từ thị trường Mỹ. 

Đáng chú ý là Trung Đông là khu vực có các khách sạn có giá thuê phòng đắt đỏ nhất thế giới. Năm 2015, giá thuê phòng khách sạn trung bình ở Trung Đông là 160,11 USD/ngày, cao hơn 50 USD so với số liệu tương ứng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục