Một nhà đầu tư sẽ chi 8.990 tỷ đồng để sở hữu 3,33% cổ phần của Vinamilk.

16:31' - 10/11/2017
BNEWS Đây là đợt thoái vốn thứ hai của SCIC tại Vinamilk - doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, ước đạt 9,9 tỷ USD.
Chào bán thành công hơn 48,3 triệu cổ phiếu VNM với giá 186.000 đồng/cổ phiếu. Ảnh minh họa: Vinamilk

Chiều 10/11, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tổ chức phiên chào bán cạnh tranh 3,33% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, mã: VNM, tương ứng 48.333.400 cổ phiếu, với giá khởi điểm 150.000 đồng/cổ phần tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE).

Đây là đợt thoái vốn thứ hai của SCIC tại Vinamilk - doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, ước đạt 9,9 tỷ USD.

Theo thống kê của SCIC, có 19 nhà đầu tư gồm: các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đặt mua hơn gấp đôi số lượng cổ phần được SCIC chào bán đợt hai này. Mở đầu phiên đấu giá, các nhà đầu tư rượt đuổi nhau từng phút và mức giá được các nhà đầu tư chào mua tăng liên tục, đặc biệt có thời điểm đạt mức giá 186.000 đồng/cổ phần cho toàn bộ cổ phần được chào bán.

Ngoài ra, còn có các lệnh lớn khác như 18,9 triệu cổ phần giá 155.100 đồng/cổ phần; 2,24 triệu cổ phần: 152.000 đồng/cổ phần và 1 triệu cổ phần: 155.700 đồng/cổ phần...

Kết quả, một nhà đầu tư duy nhất trúng giá và mua toàn bộ số lượng cổ phần VNM chào bán đợt hai này của SCIC với giá trúng bình quân là 186.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá khởi điểm 24% và cao hơn giá đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (10/11) là 7%. Như vậy nhà đầu tư này sẽ chi 8.990 tỷ đồng để sở hữu 3,33% cổ phần của Vinamilk.

Trước đó, vào cuối năm 2016, SCIC đã tổ chức bán cổ phần Vinamilk với hơn 78,3 triệu cổ phần được bán ra trên tổng số 130 triệu cổ phần chào bán của đợt 1. Với việc chào bán thành công ở đợt 2 lần này, số vốn cổ phần Nhà nước nắm giữ tại Vinamilk thông qua SCIC sẽ giảm xuống chỉ còn 36% vốn điều lệ công ty.

Tính đến tháng 9/2017, Vinamilk là công ty chiếm 57,8% thị phần sữa tại thị trường Việt Nam. Trong đó, đơn vị này có nhiều sản phẩm chi phối từ 40% - 80% nguồn cung thị trường. Theo kế hoạch, đến năm 2021, Vinamilk đạt năng lực sản xuất bình quân lên mức 2,8 triệu tấn sản phẩm các loại, tăng khoảng 70% so với năm 2016. Đồng thời, đặt kế hoạch tổng doanh thu đến năm 2021 đạt 80.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, việc chào bán cổ phiếu đợt hai này được đánh giá chỉ làm thay đổi tỷ lệ sở hữu trong cơ cấu cổ đông, chứ không làm thay đổi vốn điều lệ đã đăng ký của Vinamilk.

Ngoài ra, quy chế chào bán đợt này có nhiều điểm mới "cởi mở" hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài so với đợt bán vốn lần đầu tiên là nhà đầu tư nước ngoài được tham gia và đặt cọc bằng USD, ký quỹ ở những ngân hàng được cấp phép. Tuy nhiên, khi trúng giá tiền ký quỹ vẫn phải được chuyển đổi thành VND.

Hiện tại, SCIC đang nắm giữ vốn nhà nước tại 147 công ty, riêng với các doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán, SCIC đang nắm giữ lượng cổ phiếu có giá trị trên 130.000 tỷ đồng./.

>>> Phó Thủ tướng: Tăng tỷ lệ và đẩy nhanh tiến độ bán vốn theo tình hình thị trường

>>> SCIC bán vốn thành công tại 73 doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục