Ngành dệt may loay hoay gỡ nút thắt - Bài 1: Đơn hàng “ăn đong”

13:02' - 05/11/2016
BNEWS Mặc dù ngành dệt may đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu xuống còn 29 tỷ USD nhưng các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành khó đạt con số trên và khó khăn sẽ còn tiếp diễn.
Gia công xuất khẩu hàng dệt may. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Lượng đơn hàng chỉ “đủ ăn” thậm chí “đói”; xuất khẩu giảm trong khi hàng loạt các chi phí đầu vào tăng lên, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu giảm… là những khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp dệt may. Mặc dù năm nay, ngành dệt may Việt Nam đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu xuống còn 29 tỷ USD thay vì 31 tỷ USD nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành cũng khó đạt con số trên và khó khăn sẽ còn tiếp diễn. 
Trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Ngoài những yếu tố khách quan tác động như nền kinh tế của một số nước nhập khẩu dệt may của Việt Nam đang gặp khó khăn, sự kiện Brexit ở Anh thì một trong những khó khăn của ngành dệt may bắt nguồn từ chính sách ổn đinh tỷ giá của đồng Việt Nam so với các đồng ngoại tệ khác đã khiến hàng hóa Việt Nam kém sức cạnh tranh so với các nước khác. 

Ngoài ra, lãi vay ngân hàng mặc dù đã giảm nhưng vẫn cao so với nhiều nước cũng khiến doanh nghiệp thêm khó khăn. 
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, rất nhiều áp lực đè nặng lên ngành dệt may Việt Nam từ giá, thị trường, công nghệ quản trị đến năng suất lao động. Đồng thời, hàng dệt may phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại tại một số nước, cũng như sức ép về thời gian giao hàng ngày càng rút ngắn, chi phí lao động không ngừng tăng.

Nhất là, tác động từ cơ chế chính sách của Việt Nam không theo kịp với tình hình thay đổi hiện nay của ngành dệt may. Những khó khăn này không chỉ đặt ra trong năm 2016 mà sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới. 
Tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp với số đơn chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 21,11 tỷ USD, mặc dù tăng 6% so với cùng kỳ 2015 nhưng so với kế hoạch năm mới chỉ hoàn thành 68%. 
Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 cho biết, mặc dù tổng doanh thu 9 tháng của May 10 đạt 96% kế hoạch đề ra, vẫn vượt 8% so với cùng kỳ 2015, nhưng năm nay là năm sau nhiều năm May 10 không đạt mức tăng trưởng hai con số.

Khó khăn đầu tiên là lượng đơn đặt hàng từ các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm do các thị trường bán lẻ không tốt nên đều yêu cầu giảm giá hàng. Tính chung trong 9 tháng sản lượng hàng đã giảm từ 5 -10%, giá khách hàng yêu cầu cũng giảm từ 10 - 15%. 
Thực hiện tăng lương tối thiểu cũng là khó khăn tiếp theo làm tăng chi phí đầu vào của May 10 trong 9 tháng qua và dự kiến cả năm 2016 thêm khoảng 100 tỷ đồng; trong đó, có khoảng 80% là chi phí tăng dành cho người lao động. Việc tăng lương tối thiểu cũng kéo theo chi phí bảo hiểm cho công nhân, bảo hiểm hiểm thất nghiệp của đơn vị này tăng gần 20 tỷ đồng so với năm ngoái. 
Ngoài ra, các phí vận chuyển, điện nước đều tăng, hay quy định giới hạn thời gian làm thêm giờ, trong khi đặc thù mùa vụ của ngành trong tháng 5-6 phải dồn việc… cũng là những khó khăn không nhỏ đối với ngành may mặc. 
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG tại Thái Nguyên cho hay, mặc dù công ty đã áp dụng các hình thức tiết kiệm chi phí sản xuất, đầu tư cải tiến công nghệ nhưng với mức tăng chi phí lao động, chi phí lãi vay ngân hàng và các chi phí khác thì sự cải tiến của doanh nghiệp không thể bù đắp được. 
“Để kiếm được một đơn hàng vào thời điểm này chúng tôi phải cạnh tranh khốc liệt, không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà với cả doanh nghiệp ở các nước khác” - ông Thời nói. 
Ông Chu Hữu Dũng, Giám đốc điều hành Tổng công ty May Hưng Yên cũng đánh giá, năm nay là một năm đầy khó khăn đối với ngành may mặc cả nước chứ không riêng may Hưng Yên. Tổng Công ty đã phải phát triển sang một số mặt hàng khác như áo lông vũ xuất đi Hàn Quốc. Tuy nhiên đây là mặt hàng mới chưa phải là thế mạnh của đơn vị. 
"Một hạn chế nữa của doanh nghiệp Việt Nam là sức cạnh tranh đuối hơn so với các doanh nghiệp tại Campuchia, Bangladesh do họ có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước như Mỹ, châu Âu nên được hưởng thuế suất thấp hơn.

Bên cạnh đó, lương tối thiểu ở các nước như Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka cũng thấp hơn Việt Nam. Ngay cả Trung Quốc, trước bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp dệt may ngừng hoạt động, nước này cũng đã giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội từ 22% xuống còn 18% nên khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh" - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết. 

>>> Ngành dệt may loay hoay gỡ nút thắt - Bài 2: Bắt đầu từ khâu khâu dệt, nhuộm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục