Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam: Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

16:10' - 15/03/2022
BNEWS Bộ Công Thương cũng đang tiến hành xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Bối cảnh bình thường mới đã và đang mở ra những thay đổi lớn trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển của các kênh thương mại điện tử đã mang đến nhiều tiện lợi song cũng bộc lộ những mặt trái khiến nhiều quyền lợi của người tiêu dùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Đáng lưu ý, trong khi quy định về thương mại điện tử, nghị định hướng dẫn không “phủ sóng” nhưng các phương thức lừa đảo ngày một tinh vi. Với những nội dung còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó thực hiện, vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025 với đa dạng các hoạt động hướng tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang tiến hành xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

*Muôn vạn kiểu lừa

Chị Nguyễn Minh Phương-nhân viên văn phòng tại Hà Nội trong thời gian nghỉ dịch đã liên tục nhận được tin nhắn SMS nhắc nhở việc tài khoản sẽ bị tạm ngưng dịch vụ và yêu cầu truy cập vào link www.vnsccb.vip để cập nhật.

Dù đã đọc nhiều cảnh báo từ giới truyền thông cũng như các ngân hàng, nhưng sau nhiều lần nhận được thông báo dưới dạng dịch vụ đã tạm khoá do thu phí không thành công hai kỳ liên tiếp. Vui lòng truy cập www.mmsccb.vip để cập nhật khiến sự tò mò của chị Phương trỗi dậy và ấn vào link.

Sau một vài thao tác, hệ thống đòi cập nhật mã OTP và từng bước một chị Phương đã lần mò làm theo. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đó khi một ngày có đơn hàng cần chuyển khoản, chị Phương mở tài khoản chuyển tiền mới tá hoả mấy chục triệu trong tài khoản không cánh mà bay.

Lập cập vào xem lại lịch sử giao dịch mới biết vài ngày trước đó số tiền trong tài khoản của chị đã tự động bị trừ dần mỗi lần 1.990.000 đồng cho đến khi tài khoản cạn kiệt.

Liên hệ với hệ thống tổng đài của ngân hàng, chị Phương đã được nhân viên hướng dẫn để khoá tài khoản và chờ đợi phía ngân hàng truy soát. Tuy nhiên, tiền đã bay đi thì cơ hội trở lại rất hiếm hoặc nếu có cũng vô cùng mong manh.

Cũng rơi vào trường hợp tương tự, ông Phan Văn Khiên-cán bộ nghỉ hưu tại quận Hoàng Mai nhận được điện thoại từ công an nói ông vô tình dính vào đường dây buôn bán ma tuý và nộp ngay số tiền 250 triệu đòng vào số tài khoản xxxx để lực lượng kịp thời tháo gỡ, giúp ông thoát khỏi vòng lao lý.

Như sét đánh ngang tai, dù gia đình có vợ và con dâu đều làm trong ngành ngân hàng nhưng ông Khiên vẫn vội vàng cầm nguyên mấy quyển sổ tiết kiệm đi bộ ra phía ngân hàng gần nhà với ý định rút tiền rồi chuyển khoản. Thế nhưng, may thay cháu nội ông nhìn thấy và báo với gia đình nên kịp thời chạy theo ngăn cản.

Đây chỉ là những trường hợp điển hình trong số vô vàn hình thức lừa đảo mà người tiêu dùng liên tục gặp phải thời gian qua. Với thủ đoạn tinh vi đánh vào lòng tin và sự nhẹ dạ nên vô tình vẫn có nhiều trường hợp rơi vào bẫy dù trước đó đã được cảnh báo.

Giới phân tích cho biết, SMS Brand Name là một hình thức tin nhắn thương hiệu, được các tổ chức, cá nhân đăng ký độc quyền tại các nhà mạng viễn thông và sử dụng làm dịch vụ gửi tin nhắn, gọi điện hàng loạt đến các khách hàng, để chăm sóc, quảng bá hình ảnh, thông báo nội dung, chính sách mới… đến khách hàng.

Bằng nhiều nguồn khác nhau, sau khi có được thông tin khách hàng của các ngân hàng, tổ chức… các đối tượng sẽ gửi các tin nhắn, cuộc gọi giả mạo Brand Name đến khách hàng đó.

Trong nội dung các tin nhắn giả mạo này luôn kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo do các đối tượng quản lý (các trang web này có tên gần giống với các trang web chính thức của ngân hàng, tổ chức…) nên người dùng dễ lầm tưởng, mất cảnh giác.

Do đó, nếu người dùng truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn, hệ thống sẽ tự động hiển thị một trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng, tổ chức… và được yêu cầu điền các thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP….

Khi có được các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện được các hành vi như:chuyển khoản, mở thấu chi, topup thẻ tín dụng, đăng ký vay online…

Bằng các phương thức, thủ đoạn trên, thời gian qua, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng với số tiền lớn, xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước.

Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, đây là thủ đoạn rất tinh vi, cần được người tiêu dùng nhận biết, quan tâm, nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của chính mình, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi khối lượng giao dịch ngân hàng theo phương thức online là rất lớn.

Do đó, khi nhận được những tin nhắn như trên, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ ngân hàng, tổ chức… để phát hiện các tin nhắn giả mạo ngân hàng, tổ chức… không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn.

Bởi lẽ thông thường website chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền website (giao thức https).

Ngoài ra, khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người tiêu dùng có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng , tổ chức…để kiểm tra lại thông tin hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn; phản ánh các tin nhắn giả mạo tới ngân hàng, tổ chức…và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này.

*Hoàn thiện chính sách

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, nhưng quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng.

Ngoài nguyên nhân chủ quan trong thực thi pháp luật, việc thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng phát sinh những vướng mắc, khó khăn, bất cập.

Đơn cử, đến nay, vẫn còn 9 tỉnh, thành phố chưa có tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có hai tỉnh đã thành lập và đi vào hoạt động, nhưng do khó khăn nhiều mặt; trong đó có vấn đề kinh phí, đã phải xin giải thể.

Bên cạnh đó, có một nghịch lý là Hội Bảo vệ người tiêu dùng được giao trách nhiệm, nhưng không được giao quyền hạn cũng như nguồn lực để thực hiện.

Chính vì vậy, đến nay, trong 7 nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội theo khoản 1, điều 28 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, còn một số nội dung rất khó thực hiện.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận hơn 13.000 cuộc gọi phản ánh của người tiêu dùng trên đa dạng các lĩnh vực, tăng 17,6% so với năm 2020.

Trong số đó, Cục đã tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ giải quyết cho gần 2.600 trường hợp thông qua gọi điện và gửi đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng với gần 1.300 vụ việc.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng khiếu nại của người tiêu dùng trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt có sự gia tăng đột biến các khiếu nại của người tiêu dùng đối với những lĩnh vực như thương mại điện tử; hàng không và dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển.

Theo thống kê, hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu về số lượng yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng, chiếm tổng cộng trên 50% toàn quốc.

Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng hỗ trợ, giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác như Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp…

Điều này phần nào cũng cho thấy, người tiêu dùng trên cả nước đã bước đầu biết đến và sử dụng hiệu quả các kênh giải quyết yêu cầu, khiếu nại tại các cơ quan, tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo ra lợi thế cạnh tranh, mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các nhu cầu của người tiêu dùng, tận dụng sự phát triển của khoa học - công nghệ và thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng, phát triển thị trường cũng như giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa có thương hiệu, chất lượng tốt, giá phù hợp…

Bên cạnh đó, mỗi người tiêu dùng cần chủ động cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức để có thể thực hiện các hành vi tiêu dùng thông thái, bảo vệ mình trước nguy cơ của hành vi vi phạm.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng trong thời gian gần đây là vấn đề nóng, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19, khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hành vi người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc vào thông tin, dữ liệu trên mạng.

Từ việc được giao nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ Công Thương xác định, một trong các nhóm chính sách cơ bản có liên quan đến quy định về bảo vệ và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cần hoàn thiện là các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục