“Nghệ thuật tiền tệ” được Nga sử dụng trong xung đột tại Ukraine

05:30' - 31/05/2022
BNEWS Báo Arab News mới đây đăng bài phân tích về “nghệ thuật tiền tệ” được Nga sử dụng trong cuộc xung đột tại Ukraine nhằm tạo ra những lợi thế và đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble đối với khí đốt bán cho các quốc gia “không thân thiện” kể từ ngày 31/3. 
Điều này được coi như một lời khẳng định đối với tầm quan trọng của nguồn cung năng lượng từ Nga sang các quốc gia khác và là một phần nỗ lực để duy trì giá trị đồng ruble trước các lệnh trừng phạt kinh tế vốn đã cản trở nghiêm trọng hoạt động ngoại thương và tài sản của Nga. 
Sau hai tháng, liệu chiến lược của Tổng thống Putin đã chứng minh được vai trò như một công cụ đáp trả phương Tây hiệu quả và đồng ruble có thể nổi lên như một thế lực thay thế mạnh mẽ cho đồng USD hay đồng euro hay không? 
Theo giới phân tích, các biện pháp của Nga cho đến nay đã có tác động trái chiều dựa trên phản ứng từ phương Tây. Một số công ty hoặc quốc gia đã phải làm theo yêu cầu của Chính phủ Nga.
Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC), các công ty dự kiến sẽ chuyển các khoản thanh toán của họ bằng USD hoặc euro vào tài khoản ngân hàng ở Nga, sau đó chuyển đổi tiền tệ sang đồng ruble. 
Các khoản thanh toán sẽ được hoàn tất sau khi ngoại tệ được gửi vào ngân hàng Nga, thay vì sau khi được chuyển đổi. Ít nhất 4 khách hàng mua khí đốt ở châu Âu đã bắt đầu thanh toán cho Nga bằng đồng ruble thông qua phương thức phức tạp này. 
Do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, một số quốc gia có phản ứng rất gay gắt trước quyết định của Nga, song vẫn phải thực hiện theo yêu cầu. Điển hình, Vương quốc Anh đã nhiều lần lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Tuy nhiên, bất chấp những thông điệp mạnh mẽ, Vương quốc Anh vẫn cho phép thanh toán khí đốt trả cho các ngân hàng Nga bị trừng phạt cho đến ngày 31/5 tới. Vì vậy, yêu cầu của Chính phủ Nga chắc chắn đã được tính toán kỹ và sẽ có thể tận dụng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa quốc gia, đặc biệt là về mối quan tâm năng lượng. 
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có cách tiếp cận tương tự như Vương quốc Anh, bởi lẽ nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu theo đuổi các lộ trình thay thế để cùng hỗ trợ nhau khước từ yêu cầu của Nga.
Tuần trước, Phần Lan đã mất nguồn cung cấp khí đốt chính sau khi từ chối thanh toán bằng đồng ruble, nhưng nguồn cung vẫn tiếp tục chuyển đến Phần Lan thông qua đường ống từ Estonia.
Một ví dụ khác là Bulgaria và Ba Lan đã từ chối thanh toán bằng đồng ruble vào tháng Tư vừa qua, song Hy Lạp đã hứa sẽ giúp Bulgaria vượt qua khó khăn. Điều này cho thấy các giới hạn về tính hiệu quả từ động thái của ông Putin, mà trong mọi trường hợp đều có thể làm giảm bớt tác động về lâu dài khi các phản ứng phối hợp như trên được thiết lập nhiều hơn. 
Trên cơ sở đánh giá về hiệu quả chính sách của Nga, cần phải xem xét điều gì sẽ xảy ra với giá trị đồng ruble của nước này. Khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine, giá trị của đồng ruble đã tuột dốc không phanh từ khoảng 85 ruble đổi 1 euro hồi năm ngoái xuống còn hơn 140 ruble đổi 1 euro. Tuy nhiên, do sự can thiệp của ngân hàng trung ương Nga, tỷ giá đồng ruble đã phục hồi lên 94,1 ruble đổi 1 euro và hiện dao động quanh ngưỡng 60 ruble đổi 1 euro. 
Tương tự vào ngày 9/3, 1 USD đổi được 138 ruble, nhưng chỉ ít ngày sau, con số này đã giảm xuống ngưỡng dưới 60. Đáng chú ý, vào đầu tháng Năm này, đồng ruble của Nga được công nhận là đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong năm 2022, tăng 11% giá trị so với đồng USD. 
Theo dữ liệu của Bloomberg, đồng ruble là đồng tiền tăng giá lớn nhất trong số 31 đồng tiền tệ chính, do một loạt các biện pháp kiểm soát vốn được áp dụng trong nước nhằm thúc đẩy nền kinh tế và bù đắp các lệnh trừng phạt của phương Tây. 
Vị thế sức mạnh này rõ ràng có tầm quan trọng mang tính biểu tượng, nhưng cũng có những hạn chế về kinh tế, vì có tương đối ít nhà đầu tư bên ngoài nước Nga có thể kiếm được lợi nhuận từ việc đồng nội tệ tăng giá. Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, đồng ruble đã chứng minh được giá trị dựa trên các chỉ số tương quan. Câu hỏi tiếp theo là điều này thực sự có ý nghĩa gì trong bối cảnh cạnh tranh cạnh tranh địa chính trị đang diễn ra? 
Điều thú vị là chính sách phi USD hóa đã được bắt đầu kể từ năm 2014, khi Nga và Trung Quốc thành lập cái mà một số chuyên gia gọi là “liên minh tài chính” sau khi Nga bị phương Tây cô lập. Việc "bỏ qua" đồng USD trong các giao dịch thanh toán thương mại đã trở thành điều cần thiết trong nỗ lực thách thức các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga. 
Năm 2014, Trung Quốc và Nga đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trong 3 năm trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (tương đương 24,5 tỷ USD). Thỏa thuận này cho phép mỗi bên có thể tiếp cận đồng USD mà không cần phải mua đồng tiền này trên thị trường ngoại hối.
Năm 2019, một cột mốc quan trọng khác diễn ra khi Nga và Trung Quốc tiếp tục ký thỏa thuận hoán đổi đồng USD lấy đồng nội tệ của nhau trong bất kỳ hoạt động thanh toán toàn cầu nào giữa hai nước. Hai bên cũng kêu gọi phát triển phương thức thanh toán khác biệt so với hệ thống SWIFT do Mỹ thống trị nhằm tạo cơ sở giao dịch trong tương lai cho đồng ruble và đồng nhân dân tệ.
Trong bối cảnh đó, việc Nga yêu cầu các quốc gia khác trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble là một phần trong những nỗ lực không ngừng nhằm hạ thấp giá trị đồng USD và thách thức vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài để đồng ruble có thể thay thế USD trở thành đơn vị tiền tệ toàn cầu được lựa chọn, ngoài thỏa thuận cụ thể hoặc các giao dịch giữa các quốc gia. 
Một khía cạnh khác được đặt ra khi xem xét các quốc gia “thân thiện với Nga”, trái với châu Âu và phương Tây. Ở đây, đồng ruble có triển vọng rõ ràng hơn để giữ lại giá trị và tiện ích của mình. Hơn nữa, các động lực hiện tại có thể mang lại cơ hội mới cho đồng nhân dân tệ của Trung Quốc để thăng bậc trong thang dự trữ tiền tệ. Cho dù không phải là khía cạnh dễ nhận thấy nhất, nhưng những yêu cầu của ông Putin đã cho thấy “nghệ thuật tiền tệ” và tính hiệu quả của chúng trong việc đàm phán với các đối thủ địa chính trị của ông. 
Cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ có nhiều kết quả rộng lớn hơn và lâu dài hơn đối với vai trò địa chính trị và vị thế của mỗi bên trong hệ thống quốc tế, bất kể điều gì xảy ra trên thực địa. 
Do đó, các quyết định chiến lược thường cần phải nhìn xa hơn những điểm xung đột hoặc lợi nhuận tức thời và xem xét tác động đối với các hệ thống toàn cầu. 
Việc quản lý hiệu quả đồng tiền quốc gia có thể là cách thức để khai thác sự phụ thuộc lẫn nhau, ngay cả với những nước đối địch và tạo ra nhiều cơ hội tinh vi hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục