Nghi ngờ về đầu tư và thương mại bao trùm quan hệ Trung - Mỹ

05:30' - 11/01/2018
BNEWS THX đăng bài bình luận về căng thẳng thương mại Trung-Mỹ, nhận định mối quan hệ này đã gặp phải bước khởi đầu năm 2018 không thuận lợi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Vừa qua, Ủy ban giám sát đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã từ chối cấp phép cho thương vụ mà Tập đoàn dịch vụ tài chính Ant Financial Service Group của tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc) định mua lại Hãng MoneyGram International có trụ sở tại Dallas (bang Texas) vì lý do an ninh quốc gia. 

Trước đó hồi tháng 9/2017, theo khuyến nghị của CFIUS, Tổng thống Donald Trump cũng đã bác bỏ việc công ty Caynon Bridge Capital Partners, được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, mua lại tập đoàn Latice Semiconductor Corp. 

CFIUS cũng bác đơn đề nghị của Tổ hợp tập đoàn HNA của Trung Quốc muốn mua cổ phần kiểm soát Hãng đầu tư SkyBridge Capital do cựu cố vấn Nhà trắng Anthony Scaramucci sở hữu và thương vụ trị giá 2,7 tỷ USD của Tập đoàn China Oceanwide Holdings Group mua lại công ty bảo hiểm Genworth Financial Inc của Mỹ. 

Theo bài báo, không có gì bất ngờ khi mà các công ty của Trung Quốc gặp phải trở ngại ở Mỹ do căng thẳng về thương mại giữa hai nước đang ngày một tăng.

Sự thân thiện giữa hai nước nảy nở ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2017 với việc ký các thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD dường như đang bị mai một khi mà Mỹ vẫn còn giữ lối tư duy về cuộc chơi “zero sum” (tổng bằng 0). 

Trong 30 ngày cuối năm 2017, Chính phủ Mỹ đã khởi động cuộc điều tra theo Mục 301 với sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ của Trung Quốc, điều tra các sản phẩm nhôm do Trung Quốc sản xuất và không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Sự thay đổi theo hướng đối đầu này càng tăng cao khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả Trung Quốc như một đối thủ trong chiến lược an ninh đầu tiên của ông hồi tháng 12/2017, qua đó cáo buộc rằng Trung Quốc đang theo đuổi chính sách tấn công về kinh tế hòng làm suy yếu nước Mỹ.

Tuy nhiên, bài báo cũng đưa ra một số luận điểm để cho thấy có thể lạc quan về quan hệ hai nước trong năm 2018. Một loạt các tàu điện ngầm mẫu do Công ty CRRC- công ty tàu điện lớn nhất của Trung Quốc- sản xuất đã được đưa đến thử nghiệm ở bang Massachusetts và dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt ở nhà máy của công ty này ở Springfield (Massachusetts) để đưa vào sử dụng. 

Câu chuyện này cho thấy sự thay đổi trong quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế hàng đầu trên thế giới: nhãn mác “Sản xuất tại Trung Quốc” đã được thay thế bởi “Sản xuất bởi Trung Quốc ở Mỹ”.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về quan hệ Trung-Mỹ và Nhóm Rhodium, số lượng người lao động được các công ty Trung Quốc tuyển dụng trên khắp nước Mỹ đã tăng 9 lần từ năm 2009 đến nay, với con số 140.000 người vào năm 2016. 

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về quan hệ Trung-Mỹ Stephen Orlins cho rằng trong những năm qua, các công ty của Mỹ đã đầu tư vào Trung Quốc, thu lợi nhuận, xây dựng cộng đồng ở đây và ủng hộ mạnh mẽ quan hệ Trung-Mỹ theo hướng hợp tác. Tuy nhiên, trước một Bắc Kinh đang trỗi dậy, Washington đang cảm thấy lo lắng.

 Trung Quốc đã không ngần ngại khi tuyên bố không có ý định thống trị thế giới, phủ nhận tư tưởng cuộc chơi “tổng bằng 0” giữa các nước, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc; hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả hai. 

Tuy nhiên, Washington vẫn không chấp nhận lập luận của Bắc Kinh. Với sự nghi kỵ chiến lược đối với Trung Quốc đã bám rễ sâu ở Mỹ, các chính trị gia của Mỹ đã không thể bắt kịp với hiểu biết của Trung Quốc về hợp tác, và thay vào đó đã tiếp cận một cách ngày càng có tính bảo hộ và cô lập. Khi mà Trung Quốc đề xuất xây dựng thế giới trở thành một cộng đồng chung vận mệnh, nước này đã không phân biệt giữa đối thủ và đối tác.

 Vào lúc này, thử thách thực sự đối mặt với các nhà hoạch định chính sách là liệu họ có thể tối đa hóa hợp tác và quản lý cạnh tranh để có thể không dẫn đến xung đột hay không. Hợp tác là cần thiết cho Trung Quốc và Mỹ để có thể xử lý các thách thức và lợi ích chung. 

Lối suy nghĩ hạn hẹp sẽ dẫn đến cuộc chơi “tổng bằng 0”, song cả hai sẽ có được sự phát triển nếu hợp tác với nhau do những lợi ích chung giữa hai nước nhiều hơn là các khác biệt.

 Bài báo kết luận Trung Quốc và Mỹ sẽ có hành trình thương mại đầy trở ngại trong năm 2018 nếu Chính phủ Mỹ quyết định theo hướng của riêng mình và Trung Quốc có thể sẽ phải xét đến các biện pháp trả đũa. 

Tuy nhiên, cái giá phải trả đối với nhân dân hai nước là quá lớn nếu sự nghi kị và căng thẳng vẫn ngày một tăng. Hiện hai bên cần phải giữ bình tĩnh và suy nghĩ thực tế để có thể giữ ổn định cho quan hệ thương mại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục