Ngoại giao kinh tế của Ấn Độ liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường”

06:30' - 16/07/2017
BNEWS Việc Ấn Độ tháng 5 vừa qua công khai, thẳng thừng từ chối tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế về “Vành đai và Con đường” diễn ra tại Bắc Kinh tuy không bất ngờ, nhưng gây nhiều tranh cãi.
Việc Ấn Độ thẳng thừng từ chối tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế về "Vành đai và Con đường" đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Reuters

Lý giải cho hành động này, “Diễn đàn Đông Á” số mới ra cho rằng Ấn Độ không muốn chính sách ngoại giao kinh tế của mình phụ thuộc vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc. 

Vào ngày 13/5/2017, một ngày trước khi diễn ra Diễn đàn trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) đã đưa ra lời giải thích chính thức cho sự vắng mặt của nước này. Sự việc này cho thấy Ấn Độ vẫn còn hoài nghi về ý đồ của Trung Quốc trong việc thúc đẩy BRI. 

Thuật ngữ “Vành đai” đề cập đến khả năng kết nối đường bộ Đông-Tây giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương thông qua Trung Á và châu Âu, trong khi “Con đường” đề cập đến vòng cung trên biển liên kết các trục nan hoa đất liền.

Mối lo ngại sâu xa nhất của Ấn Độ chính là “Vành đai” (Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan và các địa điểm khác) trên “Con đường”, đặc biệt là Cảng Gwadar ở Pakistan, Cảng Hambantota và Colombo ở Sri Lanka. 

Rõ ràng, BRI là tham vọng vô định hình, lấy Trung Quốc làm trung tâm trong cả quan niệm và định hướng. Tuy nhiên, “Vành đai” sẽ tạo ra khả năng kết nối vùng đất Trung Á rộng lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên và nằm phần nhiều trong nội địa Ấn Độ hơn là ở Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mà lãnh đạo của hai quốc gia này có tham dự diễn đàn cấp cao về BRI vừa qua tại Bắc Kinh.

Trong các đời Thủ tướng Ấn Độ, mục tiêu chính sách đối ngoại cốt lõi của nước này là tăng cường hướng ngoại để hỗ trợ chuyển đổi kinh tế-xã hội và phát triển đất nước. 

Kể từ khi Ấn Độ thực hiện quyết định lịch sử tìm cách hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới năm 1991, chính sách đối ngoại của nước này còn bao gồm một trật tự tài chính và thương mại mở mà các quy tắc của nó được tạo ra bởi các nước giàu có, cụ thể là Nhóm G7.

Trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ hồi tháng Giêng năm nay, Trung Quốc đã thể hiện là ngọn cờ đầu trong việc tiếp tục thúc đẩy hội nhập nền kinh tế toàn cầu vào thời điểm sự hỗ trợ từ các nước giàu có hơn, đặc biệt là Mỹ, đang giảm dần. 

Thất vọng với tốc độ cải cách chậm chạp của các thể chế quản lý tài chính toàn cầu - như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - là động lực chính để Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mà Ấn Độ đã nhanh chóng tham gia.

Ngoài ra, sự thất vọng này còn khiến Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cùng nhau thành lập Ngân hàng Phát triển Mới tại Thượng Hải (NDB), tại đó giám đốc điều hành là người Ấn Độ. Đây là những vấn đề mà Ấn Độ nhận thấy có lợi ích cần ủng hộ các sáng kiến kinh tế quan trọng của Trung Quốc.

Người ta chẳng mấy nghi ngờ về những mục tiêu BRI của Trung Quốc trong việc mở rộng khả năng kết nối vật lý và kỹ thuật số, đặc biệt ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, việc Trung Quốc chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu có thể gây khó chịu cho Ấn Độ. 

Ngay sau Diễn đàn “Vành đai và Con đường”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các quan chức ngoại giao cấp cao của ông đã tiến hành một loạt chuyến thăm, đón tiếp ngoại giao, tổ chức đối thoại với nhiều đối tác khác nhau như cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) ở bang Gujarat, Ấn Độ; hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana, Kazakhstan, nơi Ấn Độ và Pakistan đều được hoan nghênh là thành viên đầy đủ; các chuyến thăm dồn dập tới Nga, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và gần đây nhất là Mỹ, Bồ Đào Nha và Hà Lan.

Chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến một loạt thủ đô châu Âu trong những tuần gần đây là rất đáng chú ý. Các chuyến thăm trên diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh G7 đầy thất vọng tại Italy và quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel trở nên căng thẳng. 

Các chuyến thăm ngoại giao đó cũng diễn ra sau sự kiện ông Emmanuel Macron được bầu làm Tổng thống Pháp – vốn được coi là tín hiệu tốt cho sự lãnh đạo trở lại của Pháp và Đức ở châu Âu vào thời điểm nền kinh tế trong khu vực châu Âu khởi sắc.

Những khác biệt tồn tại giữa Ấn Độ và EU hay từng nước châu Âu trên một loạt vấn đề kinh tế và xã hội là không thể phủ nhận. Đây là nguyên nhân hối thúc các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cố gắng đáp ứng trước sự biến đổi của môi trường toàn cầu và khu vực. 

Từ đó, Ấn Độ sẽ can dự tích cực hơn vào các vấn đề quản trị toàn cầu và khu vực. Nỗ lực ngoại giao của Ấn Độ đã tạo ra sự thiện chí với một loạt đối tác, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Đức. 

Qua hội nghị thượng đỉnh SCO, Ấn Độ cũng đã duy trì một mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, bất chấp hai nước còn nhiều sự khác biệt nghiêm trọng. Và hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg là một cơ hội tốt để Ấn Độ thúc đẩy chính sách đối ngoại của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục