Người dân cẩn trọng khi tái đàn

15:48' - 11/08/2017
BNEWS Ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ chăn nuôi trong thời điểm này cần thận trọng khi tái đàn, đặc biệt không tái đàn ồ ạt.
Người dân cẩn trọng khi tái đàn. Ảnh minh họa: TTXVN

Chăn nuôi lợn được coi là một trong những nghề mang lại thu nhập khá ổn định cho người nông dân trong tỉnh Hà Nam. Sau thời gian dài giá giảm, đến đầu tháng 7, giá lợn hơi bắt đầu tăng lên.

Đây là tín hiệu vui cho người dân khi mỗi con lợn từ chỗ bình quân bị lỗ 1,5 – 2 triệu đồng, nay đã bắt đầu có lãi. Giá lợn hơi tăng đồng nghĩa với việc các hộ chăn nuôi tái đàn với mong muốn khôi phục lại kinh tế.

Gia đình anh Trần Đăng Hùng, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) dù được đánh giá là hộ chăn nuôi có tiềm lực kinh tế khá cũng không dám tái đàn ồ ạt như trước. So với trước kia số lượng lợn nái trong gia đình giảm khoảng 20 con, số lượng lợn thịt cũng giảm từ 200 – 300 con.

Khi giá lợn có xu hướng tăng trở lại, gia đình anh Hùng tuy không mở rộng chăn nuôi như trước nhưng cũng vẫn duy trì đàn vật nuôi ở mức 40 lợn nái và 500 lợn thịt.

Gia đình bà Bùi Thị Chung cùng xóm với anh Hùng, trước đây luôn duy trì đàn lợn 350 - 400 con. Trong vụ "bão giá" vừa qua, gia đình bà thua lỗ khoảng 500 triệu đồng. Đến đầu tháng 7, khi giá lợn bắt đầu tăng, cùng với số lợn con của đàn lợn nái bà đã nhập thêm 50 con lợn giống.

Bà Chung cho biết, chăn nuôi đã lâu và đây cũng là nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình nên dù thế nào thì vẫn theo nghề này. Giá lợn hiện nay mới chỉ hòa vốn hoặc có lãi chút ít với những gia đình tự cung cấp được con giống. Hiện gia đình đang duy trì đàn lợn ở mức 200 con và hy vọng giá lợn sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục từ lâu đã được biết là "thủ phủ" chăn nuôi lợn miền Bắc. Tính từ đầu tháng 7 đến nay nhiều hộ chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn. Hiện tổng đàn lợn của xã đang ở mức 37.000 con, tăng khoảng 6.000 – 7.000 con so với thời điểm nửa cuối tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2016, số lượng lợn đã giảm đi hơn một nửa. Điều này cho thấy, người dân đã tự trang bị cho mình những kiến thức về thị trường và có sự đắn đo, cẩn trọng trước khi tái đàn.

Ông Trần Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ cho biết, sau một thời gian dài giảm liêp tiếp đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi của địa phương (trung bình mỗi hộ thua lỗ khoảng 300 triệu đồng).

Từ đầu tháng 7, giá thịt lợn hơi đã tăng trở lại với mức tăng khá “chóng mặt”, khi giá đang từ dưới 20.000 đồng/kg nhảy vọt lên trên 35.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 39.000 – 40.000 đồng/kg. Nhưng hiện lại giảm xoay quanh mức từ 30.000 đến 33.000 đồng/kg.

Theo ông Thiện, giá lợn hơi năm nay rất bấp bênh, không theo quy luật. Chính vì vậy, UBND xã vẫn tuyên truyền người dân không tái đàn ồ ạt, tránh tình trạng thất thu như vừa qua.

Xã Văn Xá, huyện Kim Bảng cũng là địa phương có phong trào chăn nuôi lợn phát triển mạnh của tỉnh Hà Nam. Vào giai đoạn cao điểm (giữa năm 2016), tổng đàn lợn của xã đạt trên 10.000 con. Có nhiều hộ trong xã nuôi lợn quy mô từ 300 đến 500 con lợn thịt/lứa (chưa kể lợn nái).

Giai đoạn giá lợn xuống thấp, đàn lợn của xã giảm đến 60% chỉ còn khoảng 4.000 con; đàn lợn nái cũng giảm gần 500 con, bằng 50% trước đây. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7/2017 - khi giá lợn hơi tăng, người chăn nuôi cũng ngay lập tức tăng đàn. Chỉ trong thời gian ngắn đàn lợn của Văn Xá đã tăng thêm hơn 1.000 con.

Tìm hiểu tại một số địa phương khác trong tỉnh Hà Nam, người dân cũng đã bắt đầu quay trở lại đầu tư chăn nuôi lợn. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, dù mức giá tăng chưa lớn nhưng không ít các hộ gia đình đã tái đàn từ vài chục đến vài trăm con.

Nếu đã coi chăn nuôi lợn là một nghề thì việc tái đàn là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, người dân nên cân nhắc việc tái đàn vào thời điểm này để tránh rơi vào “vết xe đổ” khủng hoảng thừa như đợt vừa qua.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết, hiện đàn lợn thịt của tỉnh đạt 480.000 con (giảm 30% so với cuối năm 2016).

Sau thời gian dài giảm sâu, giá lợn hơi trên thị trường tăng trở lại là dấu hiệu đáng mừng, giúp giải tỏa tâm lý người chăn nuôi khi “giải phóng” được đàn lợn ứ đọng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ chăn nuôi trong thời điểm này cần thận trọng khi tái đàn, đặc biệt không tái đàn ồ ạt.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, về lâu dài, để người chăn nuôi phát triển ổn định, có lợi nhuận khá, tỉnh Hà Nam đã xây dựng xong quy hoạch phát triển nông nghiệp.

Theo đó, tỉnh Hà Nam không tăng đàn lợn mà phát triển ngành chăn nuôi theo hướng đa dạng (hiện lợn chiếm 70% giá trị ngành chăn nuôi), mở rộng chăn nuôi bò thịt, bò sữa, dê, thỏ... đồng thời phát huy lợi thế là vùng trũng để đẩy mạnh chăn nuôi cá, thủy cầm; xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định bằng cách sản xuất theo chuỗi khép kín./.

>>> Người chăn nuôi gặp khó khi mua vòng truy xuất nguồn gốc cho lợn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục