Nhà nước kiến tạo: Tư duy cần được thay đổi

06:47' - 20/07/2016
BNEWS Để xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo việc khó thay đổi nhất hiện nay để thực hiện đó chính là cách thức quản lý của Nhà nước thể hiện ở tư duy, năng lực, thái độ làm việc…
TS. Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Việt Nam đang đi những bước đầu tiên trên con đường chuyển đổi từ mô hình Nhà nước quản lý toàn diện sang mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển. Để tiến tới một Nhà nước kiến tạo, chúng ta không nên cứng nhắc, cần linh hoạt và tìm cách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Nếu được như vậy, xã hội mới năng động. Đây là nội dung xuyên suốt trong cuộc trao đổi giữa phóng viên BNEWS/TTXVN và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung.

BNEWS: Hiện mô hình Nhà nước kiến tạo đã được Chính phủ đặt ra như một mục tiêu hướng tới trên con đường phát triển. Vậy, mô hình Nhà nước được hiểu như thế nào, thưa ông?

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung: Trước hết, đặc điểm của mô hình Nhà nước kiến tạo là cần có cả một quá trình phát triển. Đặc điểm của Nhà nước kiến tạo là nói nhiều đến vai trò của Nhà nước, mà vai trò của Nhà nước là tạo ra cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người dân và doanh nghiệp cùng phát triển.

Theo đó, mọi người cần tận dụng cơ hội đó để phát triển vì lợi ích của chính mình và đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.

Và những cơ hội đó mang lại đều công bằng, bất kể đó là vùng miền nào, là tôn giáo, thành thị hay nông thôn, hay thành phần kinh tế. Trước đây, phần lớn là Nhà nước tạo cơ hội nhưng hỗ trợ người dân để tiếp cận cơ hội còn hạn chế.

Đặc điểm thứ 2 của Nhà nước kiến tạo là dẫn dắt để phát triển. Nghĩa là Nhà nước tạo cơ hội nhưng phải tìm kiếm cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển để doanh nghiệp thực hiện. Và cơ hội này, là những ngành, những lĩnh vực mang tính chiến lược mà người dân chưa làm được.

Do đó, Nhà nước cần dẫn dắt để đất nước chuyển nhanh đến giai đoạn phát triển. Ví dụ: giai đoạn đầu của phát triển, chúng ta dựa vào tài nguyên; giai đoạn 2 dựa vào năng suất; giai đoạn 3 dựa vào những sáng kiến, phát minh sáng chế.

Đặc điểm thứ 3 của Nhà nước kiến tạo là cần có cách thức mới của quản trị quốc gia. Nhà nước sẽ không đứng trên người dân và doanh nghiệp, mà Nhà nước đồng hành; coi người dân và doanh nghiệp là đối tác cùng phát triển. Như vậy, doanh nghiệp sẽ cùng với Nhà nước bình đẳng giải quyết mọi vấn đề của xã hội.

Đó là 3 đặc điểm căn bản của Nhà nước kiến tạo. Như một câu nói của ngài Tony Blair, Cựu Thủ tướng Anh, trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Việt Nam cần chuyển đổi từ một Nhà nước sở hữu và kiểm soát sang một Nhà nước hỗ trợ và điều tiết. Và Việt Nam phải là một Nhà nước điều tiết, dẫn dắt, hỗ trợ mới phát triển được.

Nhà nước sẽ nâng cao vị thế của khu vực kinh tế tư nhân lên ngang bằng hoặc bình đẳng với khu vực kinh tế khác. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo tôi, một xã hội như vậy mới huy động được mọi trí tuệ, mọi sáng kiến, mọi nguồn lực để giải quyết mọi vấn đề; chứ không phải đứng bên trên, coi người dân và doanh nghiệp là đối tượng quản lý.

BNEWS: Chúng ta đang đi những bước đầu tiên trên con đường chuyển đổi từ mô hình nhà nước quản lý toàn diện sang mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển. Xin ông cho biết quá trình này Việt Nam đang thực hiện như  thế nào ?

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung: Gần đây, chúng ta đã làm được một vế của Nhà nước kiến tạo; đó là hỗ trợ, thúc đẩy, tạo điểu kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển theo hướng cải thiện môi trường kinh doanh, triệt để, xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; giảm gánh nặng hành chính, chi phí hành chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp

Theo đó, khu vực tư nhân là động lực của phát triển. Nhà nước sẽ nâng cao vị thế của khu vực kinh tế tư nhân lên ngang bằng hoặc bình đẳng với khu vực kinh tế khác. Đó cũng là dấu hiệu của việc thực hiện một trong những đặc điểm của Nhà nước kiến tạo.

Còn với đặc điểm của Nhà nước kiến tạo là đồng hành và dẫn dắt, lúc này, bộ máy năng lực của đội ngũ công chức cần phải rất thành thạo và cách thức làm việc tuyệt đối vì sự phát triển chung của quốc gia.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tìm kiếm những cơ hội hoặc những ngành nghề thực sự chiến lược để phát triển. Và việc đầu tư vào những ngành, nghề đó cần trở thành đối trọng cạnh tranh được với những công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia.

Quả thực, hiện nay, vai trò dẫn dắt của Nhà nước chưa phát huy được hiệu quả. Theo tôi, doanh nghiệp Nhà nước cần phải đầu tư vào những ngành chiến lược và cần phải đi tắt đón đầu xu hướng công nghệ hiện đại. Cùng với đó, khu vực Nhà nước cần thu hẹp lại và tìm kiếm cơ hội đầu tư mang lại hiệu quả lớn. Và khi thực hiện, các doanh nghiệp này cần phải ứng dụng các mô hình công nghệ cao, hiện đại.

Đối với vai trò đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong mô hình Nhà nước kiến tạo, ở Việt Nam, tư duy thứ bậc quản lý còn hơi nặng nề; cách thức quản lý còn thiên về kiểm soát cho nên việc tạo cho người dân hay doanh nghiệp phải đồng hành với đối tác còn đang rất hạn chế.

BNEWS: Thưa ông, đâu là những thách thức đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình “Nhà nước kiến tạo” ?

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung: Muốn một Nhà nước kiến tạo là muốn một ý chí, một chỉ đạo đầy tham vọng để thúc đẩy phát triển. Bây giờ, trước hết, chúng ta làm sao phải biến tham vọng thành hiện thực.

Theo tôi quá trình này, không thể một lúc làm ngay mà phải tiếp tục từng bước. Ví dụ như: cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta đang làm tương đối có bài bản và rõ nét; đồng thời, kiên trì thúc đẩy theo hướng xóa bỏ mọi rào cản bất hợp lý, xóa bỏ mọi chi phí không cần thiết tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Mô hình nhà nước kiến tạo cần tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh minh họa: TTXVN

Tiếp đến chúng ta cần hỗ trợ thực sự một bộ máy, một thể chế để mọi người đều có thể phát huy được sáng kiến, sáng tạo bằng nội lực, trí tuệ và năng lực cá nhân để phát triển.

Bên cạnh đó, ngay trong tư duy của Nhà nước kiến tạo, chúng ta cần có những sáng kiến mới của người dân, sau đó, Nhà nước cần phải hỗ trợ để những sáng kiến đó được phát triển.

Và trước hết, thể chế này cần được thay đổi, đầu tiên là cần có một hệ thống nhìn thấy vấn đề của người dân và phải cùng họ giải quyết. Và cách thức giải quyết không nên phân biệt việc làm đó là của ai.

Tiến tới một Nhà nước kiến tạo, chúng ta không nên cứng nhắc, cần linh hoạt và cần tìm cách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Nếu được như vậy, xã hội mới năng động.

BNEWS: Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân được cho là động lực của nền kinh tế cần có sự chuẩn bị gì để thích ứng với mô hình Nhà nước kiến tạo?

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung: Cộng đồng doanh nghiệp nên có một sự thay đổi, bởi, hiện nay, vai trò và vị thế của doanh nghiệp được đánh giá rất cao. Về mặt pháp lý doanh nghiệp tư nhân được thừa nhận, được đánh giá là động lực phát triển kinh tế của đất nước. Do đó, khối doanh nghiệp cần tạo nên một sự liên kết mạnh mẽ để chủ động đòi hỏi.
Theo tôi, các doanh nghiệp này không nên thụ động mà việc đầu tiên cần thay đổi là cộng đồng này phải có tổ chức, thông qua hiệp hội, các hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp nên có một sự kết nối để tạo ra một sức mạnh đòi hỏi cơ quan Nhà nước cần thay đổi, chứ không phải ngồi chờ cơ quan Nhà nước thay đổi.

Ví dụ: doanh nghiệp đang có vấn đề này và đòi hỏi cơ quan Nhà nước phải giải quyết chứ không phải là gây cản trở. Theo tôi, doanh nghiệp cần chủ động hơn, phản ánh nhiều hơn và trong xây dựng chính sách cũng phải tích cực hơn.

BNEWS: Để xây dựng thành công mô hình “nhà nước kiến tạo”, theo ông cần phải thực hiện những giải pháp gì ?

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung: Trước hết, chúng ta cần có một tư duy mới, một sự chỉ đạo mới. Với việc đầy tham vọng như thế, chúng ta cần hiểu rõ mô hình Nhà nước kiến tạo là gì? Và hãy thúc đẩy doanh nghiệp và người dân tham gia. Ví dụ như: cải thiện môi trường kinh doanh và tháo bỏ rào cản, đó là những việc có thể làm được ngay. Không phải chờ đợi ai cả.

Rõ ràng, thời gian qua, Nghị quyết, luật pháp cũng đã nói, bây giờ, chúng ta phải thiết lập một bộ máy, hệ thống tổ chức để thực hiện. Theo tôi, việc khó thay đổi nhất hiện nay để thực hiện đó chính là cách thức quản lý của Nhà nước thể hiện ở tư duy, năng lực, thái độ làm việc…

Ngoài ra, để mô hình này thành công, đòi hòi phải có một áp lực từ xã hội. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp phải vừa là đối tác, vừa tạo động lực cho sự thay đổi.  

BNEWS: Xin chân thành cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục