Nhật Bản cân đối ngân sách để đảm bảo tăng chi tiêu quốc phòng

10:41' - 29/11/2022
BNEWS Nhật Bản sẽ điều chỉnh việc phân bổ ngân sách từ cấu trúc chiều dọc sang một hệ thống toàn diện bao gồm các bộ ngành liên quan cùng chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho quốc gia.

Trong cuộc họp Nội các Nhật Bản ngày 28/11, Thủ tướng Fumio Kishida đã chỉ thị các bộ trưởng liên quan cân đối ngân sách để đảm bảo có thể tăng chi tiêu quốc phòng lên mức tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Kishida đưa ra con số cụ thể về mức tăng ngân sách trong 5 năm tới.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, chi phí quốc phòng nói trên sẽ được xác định là chi phí liên bộ, bao gồm các nội dung liên quan đến quốc phòng như nghiên cứu khoa học công nghệ, mua sắm thiết bị, tăng cường năng lực của Lực lượng bảo vệ bờ biển…

Như vậy, Nhật Bản sẽ điều chỉnh việc phân bổ ngân sách từ cấu trúc chiều dọc sang một hệ thống toàn diện bao gồm các bộ ngành liên quan cùng chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho quốc gia.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Hamada cho biết trên cơ sở mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% trong vòng 5 năm tới, chính phủ sẽ đưa ra quyết định vào cuối năm nay liên quan quy mô của Chương trình phòng thủ trung hạn và bảo đảm nguồn tài chính thu-chi cho tới năm 2027.

Thách thức đặt ra đối với Thủ tướng Kishida là đảm bảo nguồn tài chính thông qua cải cách thu-chi của chính phủ. Cuộc họp của hội đồng các chuyên gia về tăng ngân sách quốc phòng trước đó đã thống nhất rằng các nguồn tài chính bổ sung cần có sự chung tay đóng góp của công chúng thông qua các khoản thuế.

Theo đó, chính phủ cần cân nhắc tăng các loại thuế như thuế thu nhập và thuế thuốc lá, bên cạnh thuế doanh nghiệp. Nguồn tin từ quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết việc phát hành trái phiếu chính phủ tạm thời sẽ bù đắp được khoản thâm hụt ngân sách đến hết tài khóa 2026, nhưng về dài hạn cần có những giải pháp căn cơ để đảm bảo nguồn thu ổn định.

Ngoài ra, tại cuộc họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện ngày 28/11, có ý kiến đề xuất chính phủ xem xét sử dụng khoản ngân sách còn lại dùng cho ứng phó với dịch bệnh COVID-19 để bổ sung khoản thiếu hụt về ngân sách quốc phòng.

Kể từ Nội các Thủ tướng Takeo Miki năm 1976, Nhật Bản duy trì chi tiêu quốc phòng nhìn chung ở mức 1% GDP.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực thời gian gần đây có nhiều thay đổi, ngày càng có nhiều ý kiến trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cho rằng mức chi tiêu quốc phòng như vậy khó có thể giúp Nhật Bản đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh mới.

Đặc biệt, sau khi xảy ra xung đột quân sự Nga-Ukraine, nhiều nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã quyết định tăng chi tiêu cho quốc phòng lên mức tương đương 2% GDP.

Giới chuyên gia Nhật Bản cho rằng quyết tâm của chính phủ trong việc tăng chi tiêu quốc phòng lần này sẽ mở đường cho sự thay đổi căn bản về chính sách an ninh của Nhật Bản được duy trì từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai./.  

>>>Nhật Bản khuyến khích người dân chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục