Nhìn lại "bức tranh sáng-tối" của nền kinh tế Nga

05:30' - 12/01/2022
BNEWS Trong cuộc họp báo thường niên cuối năm 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra nhận định lạc quan rằng nền kinh tế Nga đang dần ổn định và tăng trưởng trên dưới 4% trong năm 2021.

Trong cuộc họp báo thường niên cuối năm 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra nhận định lạc quan rằng nền kinh tế Nga đang dần ổn định và tăng trưởng trên dưới 4% trong năm 2021. Trang mạng MK.ru dẫn lời các chuyên gia độc lập đưa ra đánh giá khách quan về những điểm cộng và điểm trừ của nền kinh tế Nga trong năm vừa qua.
Ba thành tựu chính của nền kinh tế
Giai đoạn cuối năm năm 2020, các biện pháp đóng cửa trên diện rộng và hạn chế đi lại đã khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 3,1%. Cuộc khủng hoảng này được mô tả bằng một thuật ngữ hoàn toàn mới "CoronaCrisis" có nghĩa là cuộc khủng hoảng kép do dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự điều chỉnh chính sách kịp thời của Chính phủ Nga đã giúp chặn đứng đà suy giảm.

Đến cuối mùa Hè năm 2021, những kết quả tích cực đã được nhìn thấy và chính phủ bắt đầu nói rằng nền kinh tế Nga đã phục hồi về mức trước đại dịch. Đến cuối năm nay, Chính phủ Nga kỳ vọng GDP sẽ tăng trưởng 4-4,5%.
Chuyên gia kinh tế Natalya Milchakova nhận xét: “Sự phục hồi của nền kinh tế Nga có một số lý do. Thứ nhất là giá dầu tăng. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu Urals của Nga đã tăng 26% và cao hơn gần 1,5 lần so với giá dầu trung bình được dự tính trong ngân sách. Thứ hai, sự sẵn có vaccine ngừa COVID-19 giúp thúc đẩy việc tiêm chủng hàng loạt cho người dân”.
Theo chuyên gia Milchakova, mặc dù việc tiêm chủng tiến triển khá chậm so với kỳ vọng của chính phủ, nhưng vaccine cũng đã giúp đất nước tránh được tình trạng đóng cửa quy mô lớn và những hạn chế đáng kể đối với hoạt động kinh doanh. Ngay cả du lịch cũng bắt đầu phục hồi dần, kể cả du lịch quốc tế. Nhà phân tích này tin rằng năm 2021, GDP của Nga sẽ tăng trưởng phục hồi 4,5% và vào năm 2022 đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục, mặc dù yếu tố phục hồi sẽ không còn đáng kể như năm 2021. Dự kiến, GDP của Nga sẽ tăng 2,5-3,5% vào năm 2022, tùy thuộc vào động lực của giá dầu.
Thành viên Ban giám sát của Hiệp hội các nhà phân tích tài chính và quản lý rủi ro, Tiến sỹ kinh tế Alexander Razuvaev dự báo kinh tế Nga phục hồi cao hơn một chút so với trước đại dịch, GDP sẽ đạt khoảng 4,5% vào cuối năm 2021. Theo chuyên gia Razurev, động lực chính là sự tăng giá năng lượng, tức là dầu mỏ và khí đốt. Nhờ đó, Nga có thặng dư ngân sách sơ bộ là 1.600 tỷ ruble (21 tỷ USD). Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Nga ở mức thấp, khoảng 4,4 đến 4,5%. Con số này thấp hơn mức trung bình chung của thế giới (6%).
Thành tựu thứ hai là thu nhập thực tế của người dân bắt đầu tăng. Thu nhập thực tế của người dân (thu nhập danh nghĩa, đã điều chỉnh theo lạm phát) trong năm 2020 giảm 2,8%. Và trước đó, thu nhập của người dân gần như liên tục giảm, theo các số liệu chính thức đã giảm hơn 10% kể từ năm 2015. Năm 2021, lần đầu tiên giới chuyên gia ghi nhận xu hướng đảo ngược. Theo kết quả của nửa đầu năm 2021, thu nhập thực tế của người dân Nga tăng 1,7%. Chính phủ Nga dự tính chỉ số này sẽ tăng 3,5% vào cuối năm 2021.
Theo chuyên gia Natalia Milchakova, thu nhập khả dụng thực tế của người dân trong quý III/2021 tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Quý IV/2021 vẫn chưa có dữ liệu, nhưng chắc chắn rằng con số này sẽ khả quan. Theo quan điểm của chuyên gia, tăng trưởng thu nhập thực tế có được chủ yếu là do sự phục hồi của thị trường lao động. Nếu vào đầu tháng 10/2020, tỷ lệ thất nghiệp ở Nga là 6,3% dân số trong độ tuổi lao động, thì vào cùng thời điểm này của năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp ở Nga đã giảm xuống còn 4,4%. Đến cuối năm 2021, dự báo thu nhập thực tế sẽ tăng lên đáng kể so với năm 2020. Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý đây là mức tăng trưởng phục hồi và năm 2022 sẽ không có chỉ số tăng trưởng thu nhập ấn tượng như vậy.
Về phần mình, chuyên gia Alexander Razuvaev nhận định, nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển, thì tiền lương của người lao động cũng sẽ tăng theo. Đồng thời, thu nhập thực tế của người Nga đang tăng nhanh hơn so với các số liệu thống kê chính thức. Con số này chưa bao gồm lợi nhuận từ sự tăng trưởng của các chỉ số chứng khoán. Theo chuyên gia, thị trường chứng khoán Nga đang phát triển và người dân ngày càng giàu có hơn. Hiện có khoảng 14 triệu tài khoản môi giới chứng khoán tư nhân ở Nga, và sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán ước tính mang lại thu nhập cho khoảng 30 triệu người.
Điểm đáng chú ý thứ ba là tỷ giá hối đoái đồng ruble ổn định trong cả năm. Sau khi đồng ruble mất giá 20-30% so với đồng USD và đồng euro vào năm 2020, không có nhiều chuyên gia mạnh dạn đưa ra dự báo lạc quan về tỷ giá hối đoái của đồng ruble. Tuy nhiên, đồng nội tệ của Nga lại chứng minh sự ổn định trong cả năm 2021, thậm chí có thời điểm còn mạnh lên so với USD và euro. Theo thống kê, tháng 1/2021, 1 USD đổi được 74,8 ruble, đến cuối năm tỷ giá là 1 USD tương đương 73,5 ruble. Trong khi đó, tỷ giá đồng euro so với ruble đầu năm là 1 euro đổi 89,8 ruble và đến cuối năm, 1 euro đổi 83,1 ruble.
Chuyên gia Natalia Milchakova bình luận: “Đồng ruble đã cho thấy động lực không đồng nhất trong mối tương quan với đồng USD và euro. Nếu đầu năm, đồng ruble thực sự ổn định so với đồng USD và chỉ tăng giá khoảng 0,2%, thì so với đồng euro, đồng ruble của Nga lại tăng giá tới 8%”. Theo chuyên gia, Nguyên nhân chủ yếu là do đồng euro suy yếu so với đồng USD. Sự mạnh lên của đồng ruble bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: phục hồi kinh tế, không có các giai đoạn phong tỏa trên quy mô lớn, giá dầu tăng, cũng như sự suy yếu của mối đe dọa trừng phạt sau cuộc họp thượng đỉnh của các Tổng thống Nga-Mỹ.
Ba khó khăn còn tồn tại
Đầu tiên là Nga đã thất bại trong việc đối phó với lạm phát. Theo các chuyên gia, lạm phát đã tăng tốc lên hơn 8% trong năm, cao hơn hai lần so với mục tiêu 4% mà Ngân hàng Trung ương Nga đề ra. Trong đó, lạm phát thực phẩm tăng hơn 10%, điều này có một tác động đặc biệt nghiêm trọng đến túi tiền của người dân. Bất chấp mọi nỗ lực của chính phủ như tăng lãi suất chủ chốt, áp đặt quy định hành chính về giá lương thực, giá một số loại thực phẩm đã tăng hàng chục phần trăm.
Tiến sỹ kinh tế Mikhail Belyaev nhận xét: “Lạm phát xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ về chính sách tiền tệ. Hiện nay, loại hình lạm phát ở Nga không được quan sát thấy ở các nước có nền kinh tế phát triển và lưu thông tiền tệ có quy định”. Theo chuyên gia, việc tăng giá (đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm) được giải thích là do cơ cấu ngành do các công ty kinh doanh lớn chi phối, họ lợi dụng vị thế của mình để áp đặt giá tăng trên thị trường.

Vì sự gia tăng giá cả có những lý do phi tiền tệ như vậy, các biện pháp của Ngân hàng Trung ương Nga trong lĩnh vực tiền tệ trở nên không hiệu quả, vì chúng không ảnh hưởng đến nguyên nhân gốc rễ của lạm phát (đặc biệt trong lĩnh vực giá thực phẩm). Chỉ có sự can thiệp của Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga mới thực sự có thể kìm hãm sự gia tăng giá cả. Điều quan trọng là các hạn chế không hướng vào bản thân giá cả, mà chỉ nhắm vào mức lợi nhuận thu được một cách bất hợp lý.
Chuyên gia Alexander Razuvaev cho rằng trên thế giới đang có lạm phát cao, bởi vì Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương khác đã in quá nhiều tiền. Nga cũng là một phần của nền kinh tế toàn cầu và chắc chắn chịu ảnh hưởng của quá trình lạm phát trên toàn thế giới. Do đó, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt trong suốt cả năm để chống đỡ lạm phát.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nga, đà tăng lạm phát ở trong nước có thể được hạn chế nếu Bộ Tài chính không mua ngoại tệ và đồng ruble mạnh lên, nhưng cho đến nay mọi thứ vẫn như vậy. “Tôi tin rằng năm 2022 lạm phát sẽ thấp hơn năm 2021, nhưng mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương khó có thể đạt được, nhưng 5,5-6% vào cuối năm là mức khá thực tế”, chuyên gia Nga dự báo.
Vấn đề còn tồn tại thứ hai là Nga chưađưa ra được quyết định liên quan đến lương hưu cho người lao động. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho chính phủ xác định mức lương hưu cho người lao động vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, thậm chí thời điểm gia hạn thêm là tháng 2/2021. Đến nay, vấn đề này vẫn rơi vào im lặng.
Theo các nhà quan sát, vấn đề này đã bị mắc kẹt trong các cuộc đàm phán ở đâu đó trong hành lang quyền lực giữa Phủ tổng thống và các cơ quan chính phủ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đảm bảo với công chúng rằng vấn đề không bị loại bỏ khỏi chương trình nghị sự và tiếp tục được nghiên cứu.
Chuyên gia Natalia Milchakova thẳng thắn bình luận: “Vấn đề này đang gây tranh cãi rất nhiều, bao gồm cả quan điểm về công bằng xã hội. Đó cũng là lý do chưa được giải quyết”. Theo chuyên gia Nga, vấn đề không chỉ nằm ở tiền bổ sung mà ngân sách sẽ chi, mà thực tế là trong số những người ở độ tuổi nghỉ hưu nhưng đang làm việc, có những người giàu và rất giàu, thậm chí là triệu phú.
Ngược lại, có những người hưởng lương và lương hưu thấp dưới mức sinh hoạt tối thiểu. Nhưng nếu nhà nước quyết định hệ số lương hưu cho những người trong độ tuổi nghỉ hưu nhưng đang làm việc, thì sẽ phải chi thêm khoảng 300-350 tỷ ruble mỗi năm. Số tiền khá nhạy cảm đối với Quỹ hưu trí Nga, do đó quỹ này sẽ phải yêu cầu chuyển khoản bổ sung từ ngân sách liên bang.
Theo chuyên gia Mikhail Belyaev, lý do thiếu tiền là không hoàn toàn thuyết phục vì đây là việc phức tạp, khó tìm được cách tiếp cận công bằng giữa lợi ích của những người giàu có và quyền lợi của những người yếu thế. Chính phủ Nga sẽ không sớm tìm ra lời giải phù hợp cho vấn đề này.
Vấn đề thứ ba đối với nền kinh tế là gánh nặng nợ của người Nga đã tăng lên mức kỷ lục. Sự bùng nổ tín dụng trong những năm trước đây đã trở thành gánh nặng nợ khổng lồ đối với người dân Nga. Tổng số nợ của các cá nhân đã lên tới con số khủng khiếp là 23.900 tỷ ruble, nhiều hơn tổng thu ngân sách hàng năm của nhà nước. Ngoài ra, các khoản vay quá hạn trong năm đã vượt quá 1.000 tỷ ruble. Có nghĩa là, nếu tất cả người Nga có thể trả hết các khoản nợ vay của họ cùng một lúc, thì nền kinh tế Nga sẽ có nguồn lực dồi dào để hoạt động thành công trong cả năm.
Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng quốc tế Dmitry Yanin nhận xét khối lượng các khoản nợ của công dân đối với các ngân hàng là hơn 23.000 tỷ ruble, đây là một số kỷ lục. Ngân hàng kiếm tiền theo nhu cầu của người dân điều đương nhiên. Tuy nhiên, trong 23.000 tỷ ruble này, phần lớn là các khoản vay tiêu dùng trong đó một phần đáng kể là các khoản vay tiêu dùng khá đắt đỏ. 80% người vay thế chấp phần lớn tiền lương của họ hàng tháng. Điều này cho thấy rằng hàng triệu công dân đang ở trong tình trạng ràng buộc tín dụng.
Ngoài khoản nợ kỷ lục đối với các ngân hàng vào năm 2021, gần 500 triệu ruble được phát hành bởi các tổ chức tài chính vi mô. Đây là các công ty cung cấp dịch vụ tài chính cho những người nghèo nhất và thiếu thốn nhất. Thị trường này đã tăng trưởng nhiều lần trong năm, điều này cho thấy nguy cơ xuất hiện ngày càng nhiều các khoản vay nặng lãi, lãi suất có thể lên tới 365% mỗi năm.
Ông Yanin cho rằng các khoản vay sẽ còn tăng lên nhiều hơn nữa. Nhiều khả năng, những người cho vay sẽ tiếp tục kiếm tiền từ những người đi vay. Người dân sẽ làm lợi ngày càng nhiều hơn cho các ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô, để lại ngày càng ít quỹ tiết kiệm, cắt giảm chi phí hoạt động, hủy bỏ kế hoạch đi nghỉ...
Tiêu dùng sẽ giảm đi, những người đi vay sẽ bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn cho mọi thứ. Người Nga là những người trả tiền khá có trách nhiệm: Mặc dù lãi suất cao, họ đang trả nợ bằng chút sức lực cuối cùng của mình. Tuy nhiên, nhà nước không coi ngân sách gia đình là một giá trị và không bảo vệ người dân khỏi tình trạng quá tải nợ.
Theo chuyên gia Mikhail Belyaev, gánh nặng nợ nần của người dân không chỉ được giải thích bởi sự suy giảm mức sống của người dân và mất thu nhập trong bối cảnh đại dịch. Thực tế, một số bộ phận người dân buộc phải sử dụng đến các khoản tiền đi vay để duy trì mức tiêu dùng hiện tại, vốn đã hình thành trong những năm thịnh vượng hơn. Chính sách kiên trì của các ngân hàng trong lĩnh vực cho vay đang phần nào phát huy tác dụng. Một phần trách nhiệm nằm ở chính những người đi vay, những người không có kỹ năng và thói quen lập kế hoạch tài chính cá nhân.
Tuy nhiên, hiện nay, tốc độ tăng cho vay đối với dân số đã giảm, số nợ đối với phần lớn người đi vay vẫn chưa vượt ngưỡng tới hạn, cơ quan quản lý đang đưa ra các biện pháp nhất định để giảm thiểu vấn đề (tạm hoãn tín dụng, đơn giản hóa thủ tục phá sản, gia tăng quyền hạn của thanh tra tài chính). Do đó, việc dự đoán sự bùng nổ không thể tránh khỏi của bong bóng tín dụng là quá sớm, nhưng lĩnh vực này đòi hỏi phải theo dõi liên tục để đưa ra các biện pháp điều tiết kịp thời và đầy đủ. Các tổ chức tín dụng không nên quá hào phóng cho vay đối với người dân hiểu biết tài chính hạn chế, đặc biệt là về các vấn đề cho vay và các nghĩa vụ phát sinh trong vấn đề này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục