Những chiếc phao cứu sinh của phụ nữ xứ nhãn

20:10' - 19/10/2021
BNEWS Những năm qua, nhờ nguồn vốn ưu đãi nhiều phụ nữ ở Hưng Yên đã mạnh dạn khởi nghiệp vươn lên làm giàu.

Chị Nguyễn Thị Sánh ở thôn Trịnh Xã, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên cũng đã vượt qua cái nghèo bằng sự cần cù và những trợ giúp từ Hội phụ nữ xã cùng với nguồn vốn chính sách.

Lập gia đình năm 1980 với cái nghèo đeo bám, chị Sánh luôn trăn trở làm sao để hết cảnh chạy ăn từng bữa, để các con được học hành đầy đủ.

Nhờ tham gia sinh hoạt với Chi hội phụ nữ thôn, chị Sánh được tiếp cận với các mô hình làm kinh tế hiệu quả, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Quan trọng hơn cả là chị được biết Ngân hàng Chính sách Xã hội có nguồn vốn cho các hộ nghèo vay với lãi suất ưu đãi.

Do đó, năm 2002, chị Sánh mạnh dạn vay vốn và thầu hơn 3.000m2 ao của thôn Trịnh Xã để thả cá, kết hợp nuôi gà, lợn, trồng cây ăn quả.

Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên chị Sánh chỉ nuôi với số lượng nhỏ, sau đó chị tiếp tục tăng dần số lượng vật nuôi và mở rộng diện tích cây trồng.

Chị Sánh đã chuyển đổi hơn 4 sào đất trồng lúa năng xuất thấp sang trồng bưởi Diễn xen canh với một số loại cây ngắn ngày.

Năm 2018, chị Sánh được Hội phụ nữ hướng dẫn tập hợp những hộ cùng trồng cây ăn quả thành lập Hợp tác xã sản xuất dịch vụ tổng hợp “Hoa Quả Việt”. Chị Sánh và các hội viên đã được hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vốn, được hỗ trợ quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, các thành viên của hợp tác xã không phải lo đầu ra và thu nhập ổn định. 

Giống như chị Sánh, chị Trịnh Thị Hồng Thúy là tấm gương phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi ở thôn Khóa Nhu 1, xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ.

Chị Thuý kể, những năm đầu mới lập gia đình hai vợ chồng trẻ gặp rất nhiều khó khăn, cả gia đình chỉ trông chờ vào hơn 2 sào lúa. “Đói đầu gối phải bò” nên vợ chồng chị Thuý rất trăn trở tìm giải pháp để thoát nghèo trên chính quê hương mình.

Rồi chị Thuý cũng tìm được cơ hội khi Hội liên hiệp phụ nữ xã Yên Hoà tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các buổi phổ biến kinh nghiệm làm kinh tế… Không những thế, Hội phụ nữ xã Yên Hoà còn giúp các hội viên được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Với những kinh nghiệm được học hỏi công thêm nguồn vốn được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị Thuý cùng chồng bàn bạc và mạnh dạn phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Ban đầu chị nuôi gà với số lượng ít và chủ yếu cung cấp gà giống, trứng nhỏ lẻ ra thị trường. Sau đó “lãi mẹ đẻ lãi con” chị Thuý bắt đầu mở rộng sản xuất, đầu tư lò ấp trứng cung cấp giống cho các hộ chăn nuôi. Mỗi năm trừ chi phí gia đình chị Thuý thu nhập vài trăm triệu đồng từ mô hình chăn nuôi này.

Không dừng lại ở đó, vợ chồng chị Thuý còn kết hợp bán hoa và cây cảnh. Bên cạnh vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội chị Thuý còn được vay thêm từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đã đầu tư được chiếc xe tải nhỏ để phục vụ công việc. Nhờ đó, mô hình làm kinh tế của vợ chồng chị Thuý được mở rộng và đã tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã.

Chị Sánh và chị Thuý chỉ là đại diện cho hàng ngàn hội viên phụ nữ ở Hưng Yên đã được trợ để giúp thoát nghèo. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được các cấp Hội phụ nữ ở Hưng Yên chú trọng, nhiều chị em đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, giúp nhau giảm nghèo. Từ sự trợ giúp của Hội phụ nữ và nguồn vốn chính sách, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn khởi nghiệp, năng động, sáng tạo ứng dụng khoa học công nghệ mới vươn lên làm giàu.

Các cấp Hội phụ nữ cũng đã tăng cường chủ động khai thác, quản lý các nguồn vốn tín dụng, hướng dẫn hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Đến nay, tổng dư nợ các nguồn vốn thông qua hoạt động uỷ thác qua Hội phụ nữ của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là gần 2.400 tỷ đồng cho hơn 46.000 hội viên vay; hỗ trợ 837 phụ nữ khởi nghiệp, 800 phụ nữ được hỗ trợ về sinh kế, hỗ trợ thành lập 12 hợp tác xã, 27 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý.

Các chi hội phụ nữ trong tỉnh cũng đã vận động 240 nghìn hội viên thực hiện tiết kiệm được 37 tỷ đồng, bình xét cho hơn 5.200 người vay; phối hợp dạy nghề dạy nghề cho hơn 7.700 hội viên phụ nữ; có hơn 6.400 hộ hội viên phụ nữ được giúp thoát nghèo.

Theo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hưng Yên, mục tiêu trong thời gian tới mỗi năm toàn tỉnh giúp ít nhất 300 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, vận động, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số, chủ động tham gia các nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương, của tỉnh; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý Hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh. Cùng với đó là xây dựng, duy trì, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; hỗ trợ đăng ký, quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGap.

Bà Doãn Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hưng Yên cho biết, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh Hưng Yên cũng đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động ủy thác với các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số ngân hàng thương mại khác nhằm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tài chính, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, vận động phụ nữ phát huy nội lực, hỗ trợ giúp nhau giảm nghèo bền vững; tiếp tục thực hiện các mô hình tiết kiệm tín dụng, các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện của phụ nữ; tập trung hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục