Những nhiệm vụ then chốt trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Indonesia

05:30' - 03/06/2019
BNEWS Để duy trì khả năng phục kinh tế, Tổng thống Indonesia Jokowi trong nhiệm kỳ thứ hai của mình cần giải quyết một loạt vấn đề vốn ảnh hưởng đến kinh tế nước này trong nhiều năm qua.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Jakarta ngày 18/4/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Đây là nhận định được đăng trên báo Jakarta Post số ra mới đây. Theo nội dung bài viết, việc kinh tế Indonesia được chứng minh là kiên cường trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại và các thị trường thế giới hỗn loạn. Mặc dù có một vài chỉ số gây lo ngại, nhưng các số liệu kinh tế vĩ mô cho thấy kinh tế nước này đang duy trì đà tăng khá tốt. 

Tuy nhiên, Tổng thống Jokowi cần phải thực thi một loạt nhiệm vụ then chốt trong nhiệm kỳ thứ hai của mình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đầu tiên là sự yếu kém của ngành sản xuất. Ngành này đã chứng kiến mức tăng trưởng giảm đáng kể, xuống còn 3,9% trong quý I/2019, mức thấp nhất kể từ quý III/2017, bất chấp việc Tổng thống Jokowi đã ban hành 17 gói kích thích kinh tế để củng cố lĩnh vực sản xuất.

Khu vực sản xuất - vốn là thành phần có đóng góp lớn nhất vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia và là nguồn cung cấp việc làm lớn nhất - dường như đã bị các nhà đầu tư cho đứng ngoài cuộc vì sự bùng nổ hàng hóa trước năm 2013 đã thu hút họ vào lĩnh vực hàng hóa. 

Khi sự bùng nổ hàng hóa kết thúc, nước này chỉ còn lại một khu vực sản xuất yếu kém. Do vậy, thúc đẩy phát triển sản xuất là một ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Jokowi.

Tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm khi chỉ đạt mức tăng 5% trong quý I/2019 - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono và 4 năm của ông Jokowi, sự hình thành tổng vốn cố định là gần như nhau hoặc ở mức 1/3 GDP.

Tuy nhiên, kết quả của nhiệm kỳ thứ hai của ông Yudhoyono là tốt hơn khi nó tạo ra mức tăng trưởng hàng năm 5,6%, so với mức 5% trong suốt 4 năm của Jokowi.

Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả đầu tư vốn trong nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống Jokowi. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã được xây dựng hoặc gần hoàn thành, song có những dấu hiệu cho thấy sự thiếu sức mạnh tổng hợp và thiếu tích hợp giữa các dự án đã ảnh hưởng đến hiệu suất.

Trong khi đó, một số dự án không hiệu quả là do sự chậm trễ dẫn đến chi phí vượt quá dự toán ban đầu, cộng với việc thiếu giám sát dẫn đến tình trạng tham nhũng. Các dự án về cơ sở hạ tầng bị Ủy Ban chống tham nhũng (KPK) điều tra đã cho thấy một số lượng tiền lớn bị thất thoát và đây là một tổn thất lớn đối với chính phủ.

Thứ hai, năng lượng là một lĩnh vực mà chính phủ cần có một chính sách toàn diện và chặt chẽ. Chính sách năng lượng bị phân mảnh, không rõ ràng và thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi mạo hiểm đầu tư vốn dài hạn.

Ông Jokowi phải thực hiện cam kết mạnh mẽ hơn để thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào nhiên liệu hóa thạch. Ngành năng lượng tái tạo cần phải được tăng tốc trong thời gian tới. Do cần nguồn đầu tư lớn, chính phủ cần đơn giản hóa các quy định và áp dụng các chính sách ưu đãi phù hợp.

Việc thiết kế một chính sách năng lượng sẽ bao gồm một mạng lưới phức tạp của các thành phần khác nhau trong kinh tế vĩ mô, như lợi ích doanh nghiệp, chính trị, môi trường, cũng như đa dạng hóa năng lượng và an ninh năng lượng… Do vậy, cần phải có một sự cân bằng giữa các lực lượng khác nhau để tạo ra một chính sách năng lượng đáng tin cậy.

Thứ ba, cán cân thanh toán vẫn dễ bị tổn thương trước sự đảo chiều đột ngột của dòng vốn. Chính sách của ông Jokowi nên bao gồm các kế hoạch mở rộng và làm sâu sắc thị trường vốn Indonesia, vốn còn nhỏ và chưa phát triển. 

Một trong những hệ quả của tình trạng này là sự thống trị của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu chính phủ (bằng đồng rupiah). Sự kết hợp của một thị trường chưa có chiều sâu, các tổ chức, nhà đầu tư trong nước phát triển nhỏ, lẻ và sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài có uy tín cao đã khiến Indonesia dễ bị ảnh hưởng bởi sự đảo ngược dòng vốn.

Thứ tư, ông Jokowi cần cải thiện năng suất lao động do chỉ số này thấp so với các nước láng giềng. Điều này đã cản trở khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Cải cách giáo dục cũng cần được đẩy mạnh bởi đây là một yếu tố quan trọng trong phát triển của con người. Giáo dục chất lượng thấp và lao động có tay nghề thấp đã dẫn đến năng suất thấp trong nền kinh tế.

Tỷ lệ những người tham gia vào thị trường việc làm có trình độ giáo dục đại học đã giảm xuống còn 7% năm 2018, so với mức 39% năm 2017. Khoảng 90% số người mới tham gia thị trường lao động chỉ mới tốt nghiệp trung học phổ thông.

Bên cạnh giáo dục, chăm sóc sức khỏe là vấn đề cũng cần được giải quyết, vì điều này liên quan đến cải thiện chất lượng cuộc sống và năng suất lâu dài, vì suy dinh dưỡng trẻ em vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Hơn 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi ở Indonesia bị suy dinh dưỡng mãn tính. Tỷ lệ này cao hơn ở Myanmar, Philippines và Việt Nam.

Suy dinh dưỡng cùng với vệ sinh không đảm bảo đã dẫn đến tình trạng thấp còi ở trẻ em. Mỗi ngày, 14.000 em bé được sinh ra ở Indonesia và 5.000 trẻ có thể bị còi cọc, cản trở sự phát triển về thể chất cũng như trí tuệ, dẫn đến chỉ số IQ thấp.

Chính sách kinh tế của ông Jokowi sẽ được thực hiện trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại và những bất ổn gia tăng. Ở trong nước, không có gì cản trở ông đưa ra chính sách kinh tế của mình, do ông có sự hậu thuẫn lớn về chính trị tại Hạ viện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục