Những toan tính của Iran và Nga trong cuộc khủng hoảng Syria (Phần 1)

07:23' - 03/06/2018
BNEWS Việc Nga gần đây kêu gọi các lực lượng nước ngoài rời khỏi Syria khiến dư luận cho rằng liên minh "tế nhị" giữa Nga và Iran nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi đáng kể.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Tổng thống Iran Rouhani bên lề Hội nghị thượng đỉnh ba bên Thổ Nhĩ Kỳ-Nga-Iran về Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù theo đánh giá của giới phân tích, mối quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ vẫn được duy trì trong một khoảng thời gian dài nữa.
Sau cuộc họp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/5 cam kết: “Do tiến trình chính trị đang có sự khởi đầu hết sức tích cực, các lực lượng vũ trang nước ngoài sẽ rút khỏi lãnh thổ Syria”. Alexander Lavrentiev, đặc phái viên của Tổng thống Putin tại Syria sau đó cho biết các lực lượng này bao gồm cả Iran.
Cho đến nay, hai nước đã hợp tác khá chặt chẽ trong cuộc chiến tại Syria, với việc Nga cung cấp sức mạnh không quân, còn Iran hoạt động tích cực trên mặt đất. Henry Rome, nhà nghiên cứu về Iran tại Tổ chức Âu-Á (Eurasia Group) ở Washington, cho rằng các phát biểu nói trên của ông Putin không có nghĩa là "liên minh Nga-Iran tại Syria đã kết thúc".
Các quan chức Iran tỏ ra khá giận dữ trước tuyên bố của Tổng thống Putin. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi nói với giới phóng viên: “Không ai có thể buộc Iran làm điều gì đó đi ngược lại ý chí của mình”. Thứ trưởng Ngoại giao Syria ngày 23/5 đã cố gắng xoa dịu căng thẳng, nói rằng sự rút quân của Iran, hoặc của đồng minh Hezbollah, “thậm chí còn không nằm trong chương trình nghị sự cần thảo luận”.
Tuy nhiên, ông Putin thường chọn từ ngữ diễn đạt khá cẩn trọng, do đó, các nhà phân tích cho rằng ông đang gửi gắm một thông điệp: Đó là cuộc xung đột ở Syria không được phép tiến triển thành một cuộc chiến tranh thậm chí còn đẫm máu hơn giữa Iran và Israel. Không lo lắng về sự hiện diện của quá nhiều lực lượng Iran ở phía Bắc, Israel đã thực hiện một loạt cuộc không kích gây chết người nhắm vào các cơ sở của Iran tại Syria trong những tuần gần đây.
Nga là quốc gia duy nhất có mối quan hệ gần gũi với cả hai, và còn được coi là một nhân tố quan trọng để giữ cho tình hình không vượt ngoài tầm kiểm soát. Nhà phân tích Julien Barnes-Dacey thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu cho biết: “Nga đang chơi trò đưa đẩy đầy tinh tế giữa các đồng minh khác nhau trong khu vực”.

Theo ông, việc Nga tuyên bố loại bỏ lực lượng nước ngoài là muốn gửi một thông điệp tới Iran rằng sẽ có những hạn chế đối với ảnh hưởng của họ tại Syria. Tuy nhiên, nhà phân tích này nhấn mạnh rằng họ (Nga) sẽ gặp khó khăn cực lớn nếu muốn tuyên bố này có hiệu lực. 
Iran có lý do riêng để hiện diện tại Syria, đó là vì muốn tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông, tiếp cận Liban bằng đường bộ và biển Địa Trung Hải. Iran cũng muốn cách ly Israel và Thổ Nhỹ Kỳ tiếp cận biên giới nước này. 
Nga không chia sẻ các tính toán này với Iran. Về mặt kỹ thuật, hai nước cùng hợp tác để đạt mục tiêu chung là duy trì sự tồn tại của Assad, nhưng hợp tác giữa Nga và Iran là "cuộc hôn nhân thời vụ", không phải đồng minh thực thụ. Nga muốn ngăn cản bất kỳ cường quốc nào tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông.
Một quốc gia nào đó, một khi đã trở thành quốc gia kiểm soát được Trung Đông, sẽ có thể gia tăng ảnh hưởng tại phía Bắc, tới phía Nam Caucasus - khu vực vùng đệm quan trọng đối với Nga. Bất cứ cường quốc nào có thể thiết lập được ảnh hưởng tại Nam Caucasus cũng đều có thể đe dọa Bắc Caucasus, khi đó sẽ đe dọa nước Nga. Vì thế, Nga muốn các cường quốc tại Trung Đông cạnh tranh lẫn nhau, ngăn chặn bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào thiết lập ảnh hưởng tại Nam Caucasus.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục