Ninh Bình huy động các nguồn lực cho ngành kinh tế "không khói"

14:04' - 03/06/2019
BNEWS Với mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch Ninh Bình sẽ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, sản phẩm du lịch và tập trung xúc tiến du lịch.

Năm 2019, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đón 7,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt trên 3,5 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, những năm qua tỉnh Ninh Bình đã tập trung đầu từ cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ ngành du dịch và đặc biệt tăng cường kết nối với các địa phương quảng bá, thu hút khách du lịch ở mọi miền đất nước.

Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của bến đò Tràng An. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Với sự đa dạng từ các tuyến du lịch nằm trong khu Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trên diện tích 12.252 ha, gồm 3 khu bảo tồn: Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và khu rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đang xây dựng các tuyến du lịch mới hấp dẫn khách du lịch.


Điển hình, Ninh Bình đã xây dựng các tuyến du lịch mới như tuyến tham quan số 3 ở Khu du lịch sinh thái Tràng An; phát triển thêm một số sản phẩm du lịch hấp dẫn mới như xây dựng khu văn hóa nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng Giao (thành phố Tam Điệp), du lịch biển Cồn Nổi (huyện Kim Sơn), khu ngâm khoáng nóng trị liệu (huyện Nho Quan)…

Để phục vụ khách du lịch, hiện tỉnh Ninh Bình có 583 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó có 46 khách sạn từ 1-2 sao, 13 khách sạn từ 3 sao trở lên và tương đương. 

Với những bước phát triển khá nhanh, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng các mối quan hệ, hợp tác của tỉnh và làm thay đổi hình ảnh Ninh Bình trong nhận thức của bạn bè trong nước, quốc tế.

Ông Hubi, du khách người Thụy Sỹ cho biết rất ấn tượng về cảnh quan, con người của Ninh Bình. Đánh giá cao việc hầu hết các khu, điểm du lịch ở Ninh Bình còn bảo tồn và lưu giữ được nét tự nhiên, ít bị con người tác động, ông Hubi tin rằng đây là những lợi thế rất riêng của tỉnh mà không phải nơi nào cũng có được để phát triển du lịch bền vững và mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Thôn Kênh Gà thuộc xã Gia Thịnh (Gia Viễn, Ninh Bình) nằm quanh chân núi Cánh Gà và ngã ba của 3 con sông: sông Bôi, sông Lạng, sông Hoàng Long. Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Sức hấp dẫn của du lịch Ninh Bình trong những năm gần đây không chỉ nằm ở việc khai thác tốt các tour, tuyến tham quan, các danh lam thắng cảnh, mà còn ở sự đầu tư về hạ tầng du lịch.

Ông Phạm Hồng Biên, Trưởng phòng Truyền thông, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường – một doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động du lịch tại Ninh Bình cho biết, trong những năm qua, chính việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch là điều kiện then chốt để nâng cao hiệu quả, tạo sức hấp dẫn cho du lịch Ninh Bình.

Bên cạnh các tour, tuyến và các sản phẩm du lịch đã có, doanh nghiệp đã phát triển rất nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng các dịch vụ đi kèm, doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hoá các sản phẩm du lịch để “níu chân” du khách ở lại.

Cùng với đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Ninh Bình còn tăng cường liên kết hợp tác với các địa phương tạo các chuỗi du lịch hấp dẫn. 

Mới đây, Ninh Bình cũng tham gia cùng tỉnh Quảng Ninh,Thanh Hóa hợp tác phát triển du lịch. Ba tỉnh Quảng Ninh , Ninh Bình, Thanh Hóa được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và nhiều di tích cấp quốc gia và khu vực.

Đặc biệt ba tỉnh đều sở hữu Di sản thế giới: Ninh Bình với Quần thể Danh thắng Tràng An- Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; Thanh Hóa với Thành Nhà Hồ - Di sản Văn hóa thế giới; Quảng Ninh với vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới, một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Đây là những lợi thế và tiềm năng to lớn để ngành du lịch ba tỉnh phát triển và là điều kiện lý tưởng để thực hiện liên kết phát triển các sản phẩm thế mạnh của vùng, như du lịch di sản, du lịch nghỉ dưỡng biển – đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch MICE, du lịch kết hợp thể thao mạo hiểm…
 

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ngành du lịch Ninh Bình sẽ tiếp tục tăng cường quản lý về du lịch, khai thác hơn nữa các tiềm năng du lịch; đẩy mạnh việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo thêm nhiều sản phẩm mới mang những nét đặc trưng riêng của tỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách trong và ngoài nước.

Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, sản phẩm du lịch và tập trung phát triển thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục