Ninh Bình tuần tra đê điều khi xuất hiện lũ cấp báo động

19:21' - 19/07/2025
BNEWS UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các xã, phường thực hiện nghiêm công tác thường trực, tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều khi xuất hiện lũ theo cấp báo động trên hệ thống các sông đi qua địa bàn.

Ngày 19/7, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (tên quốc tế WIPHA) đang tiến gần vào biển Đông, UBND tỉnh Ninh Bình khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các xã, phường trên địa bàn chủ động ứng phó với cơn bão và mưa lớn diện rộng.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Anh Dũng chỉ đạo các xã, phường thực hiện nghiêm công tác thường trực, tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều khi xuất hiện lũ theo cấp báo động trên hệ thống các sông đi qua địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai thực tế các phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục, các công trình đang thi công dở dang theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với công trình cầu, cảng, các công trình đang thi công trên tuyến đê biển; các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống lưới điện, viễn thông, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp…

Đặc biệt tỉnh Ninh Bình đã lên phương án hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu; kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao đến nơi tạm trú an toàn; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố tại chỗ được kịp thời, đạt hiệu quả cao nhất; tăng cường công tác cập nhật thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến các tầng lớp nhân dân.

Hệ thống đê tỉnh Ninh Bình có tổng chiều dài 1.241,847km. Trong đó đê cấp I dài 47,108km, đê cấp II dài 183,864km, đê cấp III dài 321,502km, đê cấp IV dài 260,766km, đê cấp V dài 404,607km và đê theo Quy hoạch 1281/QĐ- TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ có chiều dài 24km. Toàn tỉnh có 46 hồ với tổng dung tích 44,34 triệu m3; trong đó, có các hồ lớn với dung tích từ 1 triệu m3 đến 5 triệu m3 như các hồ Thác La, Yên Quang, Đồng Chương, Thường Sung, Đập Trời, Đá Lải, Yên Thắng, Yên Đồng, Núi Vá.

Hệ thống đê sông, đê biển, kè, cống, các tuyến kênh, hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong nhiều năm qua được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp, tu bổ, duy tu, bảo dưỡng. Hệ thống đê điều của tỉnh kết hợp thực hiện công tác tuần tra, canh gác, xử lý kịp thời các sự cố theo phương châm bốn tại chỗ sẽ cơ bản đủ khả năng chống lũ, chống tràn, tích nước theo mực nước thiết kế; cơ bản đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, tỉnh Ninh Bình xác định có 9 trọng điểm xung yếu cấp tỉnh và 66 trọng điểm chống lụt bão của xã phường cần đặc biệt quan tâm bảo vệ. Do đó, tỉnh Ninh Bình chỉ đạo theo phương châm lấy phòng ngừa là chính, chủ động về mọi mặt, tuân thủ kỹ thuật hộ đê và các phương án được UBND tỉnh phê duyệt.

Để chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra, trước mùa mưa bão các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các cấp kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Theo đó, khi có thiên tai xảy ra, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh khẩn trương xuống địa bàn được phân công phụ trách để trực tiếp triển khai các Phương án phòng chống thiên tai và phương án hộ đê, bảo vệ các trọng điểm đã được phê duyệt; tổ chức kiểm tra, đôn đốc địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện phương án bảo vệ trọng điểm của đơn vị mình.

Các sở, ngành liên quan điều động lãnh đạo sở, lãnh đạo các đơn vị thuộc sở, cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn tham gia chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật xử lý khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra, theo dõi diễn biến tình hình đê, kè, cống, hồ, đập, … khi có bão đổ bộ vào địa bàn và có lũ từ báo động II trở lên; chuẩn bị phương án xuất vật tư dự trữ theo lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc địa phương và các đơn vị liên quan xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm theo đúng quy định; đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống từ tỉnh đến xã và các trọng điểm; xây dựng kế hoạch huy động phương tiện tham gia phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; triển khai phân luồng các vị trí bị ngập sâu đảm bảo an toàn thông suốt trên các tuyến đường, đặc biệt là các khu vực trọng điểm; tổ chức cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho vùng bị thiên tai, ưu tiên hàng đầu cho các trọng điểm; chỉ đạo lực lượng y tế địa phương và của tỉnh thường trực tại nơi xử lý các sự cố để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ thực hiện công tác phòng chống thiên tai và nhân dân tại vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai; tổ chức sơ cấp cứu kịp thời, tại chỗ và chuyển nạn nhân về bệnh viện tuyến trên khi cần thiết.

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh…  sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với địa phương, đơn vị có liên quan tham gia hộ đê, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức ký hiệp đồng lực lượng tăng cường với các xã, phường; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, tránh gây hoang mang trong nhân dân, đặc biệt là khu vực trọng điểm; sẵn sàng huy động, phương tiện, lực lượng; phối hợp UBND xã, phường tham gia công tác hộ đê, xử lý sự cố; phân luồng giao thông đảm bảo giao thông thông suốt.

UBND các xã, phường thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự xã, phường và phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên; thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, phường với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ và sự tham gia của các thành viên từ các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể; tổ chức rà soát vật tư, nhân lực, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục