Nông dân cần cảnh giác trước “công ty ma, doanh nghiệp ảo”

11:59' - 05/02/2018
BNEWS Đây không phải là lần đầu tiên người nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp phải tình trạng trên.
Nông dân cần cảnh giác trước “công ty ma, doanh nghiệp ảo”. Ảnh minh họa: TTXVN

Mặc dù vườn gừng đã bước vào thời kỳ thu hoạch từ cuối tháng 12/2017, song việc đơn vị đầu tư và bao tiêu sản phẩm là Công ty cổ phần xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk “không cánh mà bay” khiến hàng chục hộ nông dân tại tỉnh Gia Lai điêu đứng. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên người nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp phải tình trạng trên.
Tháng 3/2017, Công ty cổ phần xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk đã ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm gừng với 15 hộ gia đình trên địa bàn huyện Phú Thiện.
Theo hợp đồng ký kết, Công ty cổ phần xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk sẽ cung cấp giống gừng, vật tư, hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc gừng cũng như bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Phía người nông dân sẽ phải thanh toán 50% tổng giá trị của các mặt hàng trên cho công ty sau khi đơn vị này đưa vật tư, giống cây trồng về. 50% tiền còn lại, người dân sẽ thanh toán vào cuối vụ, sau khi thu hoạch.
Ngoài ra, Công ty này còn cam kết sản lượng tối thiểu của một bao trồng gừng là 2,5 kg, với giá 18.000 đồng/kg. Nếu không đủ, công ty sẵn sàng bù sản lượng cho người nông dân. Trong 3 tháng đầu, nếu gừng bị chết, phía công ty sẽ cung cấp giống mà người nông dân sẽ không phải bỏ thêm chi phí nào. Quan trọng hơn, nếu bên nào vi phạm hợp đồng sẽ phải chịu phạt 36 triệu đồng cho 10.000 bao gừng giống.
Anh Nguyễn Xuân Sử (xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) hợp đồng với Công ty trên trồng 5.000 bao gừng. Theo hợp đồng ký kết, anh Sử sẽ phải chuyển cho phía công ty hơn 50 triệu đồng. Để có tiền trả cho doanh nghiệp, anh Sử đã thế chấp căn nhà cho ngân hàng vay 70 triệu đồng và đầu tư làm lưới che vườn gừng. Cũng theo hợp đồng, sau khi thu hoạch, trừ hết chi phí, anh Sử sẽ có lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
“Sau khi xuống giống được một thời gian, gừng bắt đầu bị chết. Theo hợp đồng, tôi liên hệ với phía công ty để xuống chữa bệnh và cung cấp lại giống, thì phía công ty khất lần không xuống. Một thời gian sau thì không thể liên lạc được với công ty này nữa. Giờ thì vườn gừng đã chết hết, tiền thì công ty đã lấy, tôi không biết phải xoay sở thế nào với số tiền đã vay ngân hàng”, anh Sử lo lắng.
Cùng cảnh ngộ với anh Sử, ông Phùng Tất Thắng (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) ký kết với Công ty cổ phần xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk trồng 12.000 bao gừng. Ông Thắng đã phải vay ngân hàng 300 triệu đồng để đầu tư vườn, lưới che nắng và trả trước cho công ty gần 110 triệu đồng.
“Trước thời điểm gừng được thu hoạch khoảng hơn một tháng, tôi đã không thể liên lạc được với phía công ty. Cho đến nay, một số gừng qua thời gian thu hoạch nên đã bị thối, công ty vẫn không về thu mua, chúng tôi gần như chắc chắn sẽ phải mất trắng số tiền đã bỏ ra. Gừng bây giờ cứ để tại vườn như thế, qua thời gian sẽ thối hết, chúng tôi cũng đành phải chấp nhận”, ông Thắng bức xúc.
Ông Mai Ngọc Quý, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cho biết, đến nay đã có hàng chục hộ dân tại huyện Phú Thiện và một Hợp tác xã tại huyện Chư Pưh ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk đầu tư và bao tiêu sản phẩm, với số lượng hơn 300.000 bao gừng giống.
“Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, song với việc đầu tư hàng trăm triệu đồng, thì số tiền mà người nông dân tại tỉnh Gia Lai có nguy cơ mất trắng khi đầu tư vào gừng là không hề nhỏ”, ông Quý nhấn mạnh.
Điều đáng nói, trước cây gừng, người nông dân tại tỉnh Gia Lai đã gặp phải trường hợp tương tự đối với bí đao xanh hay chanh dây và xa hơn là cây Sachi. Ông Mai Ngọc Quý cho rằng, điểm chung của tất cả các vụ việc trên là các công ty về ký kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp đều “qua mặt” chính quyền địa phương để kết nối với người nông dân, ký kết các bản hợp đồng hợp tác.
Theo ông Quý, các công ty trên đã tìm cách tổ chức các buổi hội thảo có quy mô, giới thiệu về giống cây trồng của mình, đồng thời đưa một số nông dân đi tham quan các mô hình trước đó nhằm tạo sự tin tưởng.
“Một điểm chung nữa là, các công ty đều yêu cầu người nông dân trả trước 50% tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc, với mức giá do chính doanh nghiệp đặt ra, đắt hơn nhiều so với mức giá trên thị trường. Người nông dân khi được doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm, dĩ nhiên sẽ không có ý kiến về vấn đề này. Không chỉ vậy, tại các bản hợp đồng đều “vẽ” ra một tương lai hoàn hảo cho giống cây mà công ty đầu tư, đó là “siêu lợi nhuận”. Thế nhưng, chỉ một thời gian, các công ty này đã biến mất, người dân thì mất tiền, mà giống cây thì không như mong đợi, hoặc không có người thu mua”, ông Quý cho biết thêm.
Trên thực tế, cả bí đao xanh và gừng đều được cung cấp giống từ các loại sản phẩm có bán trên thị trường, trong khi chanh dây thì chỉ đơn thuần là một giống chanh kém chất lượng, không đảm bảo yêu cầu sản xuất.

Theo bảng báo giá mà Công ty cổ phần xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam chi nhánh Đăk Lăk, một giống gừng có giá 6.500 đồng. Với mỗi kg gừng giống, các doanh nghiệp chia làm 5 bao giống, nghĩa là người nông dân sẽ phải bỏ ra 32.500 đồng cho một kg, trong khi gừng được bán trên thị trường với giá chỉ từ 8.000 đồng – 9.000 đồng/kg. Nếu thu 50%, thì công ty vẫn có lãi gấp hai lần. Không những vậy, các loại vật tư khác như phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật cũng được các công ty niêm yết giá cao hơn mức giá trên thị trường.
“Chúng tôi khuyến cáo người nông dân không tự ý trồng và mở rộng diện tích các loại cây trồng không có trong quy hoạch, vì các loại cây trồng nằm trong kế hoạch phát triển đã được ngành nông nghiệp tỉnh cân đối đầu ra, đầu vào và vấn đề tiêu thụ sản phẩm, còn ngoài quy hoạch thì không lường trước được, vì sẽ có những rủi ro.

Nông dân không nên ký các hợp đồng khi các doanh nghiệp, công ty kết nối, giới thiệu mà cần lắng nghe kế hoạch, chỉ đạo của chính quyền địa phương. Bà con nông dân cần có những tổ chức đại diện cho người nông dân như các Hợp tác xã trước khi đặt bút ký hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của người nông dân”, ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai khuyến cáo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục