Nông nghiệp – Điểm nóng trong đàm phán thương mại của các nước lớn (Phần 2)

07:32' - 13/05/2019
BNEWS Những bất đồng trong đàm phán thương mại nói chung và đàm phán thuế nói riêng không phải là những lý do duy nhất khiến các cuộc đàm phán rơi vào thế bế tắc.
Nông nghiệp – Điểm nóng trong đàm phán thương mại của các nước lớn. Ảnh: AFP/TTXVN

Vị trí quan trọng của ngành nông nghiệp vẫn có thể thấy rõ qua các vòng đàm phán thương mại Mỹ-Nhật Bản. Trong những vòng đàm phán gần đây, Nhật Bản đã đồng ý mở cửa cho nông sản Mỹ bằng mức mà Tokyo đã đưa ra trong đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và với các đối tác EU. 
Và mặc dù Tokyo kiên quyết không nhân nhượng các giải pháp liên quan đến tiền tệ nhưng lại có vẻ sẵn sàng nhượng bộ trong lĩnh vực nông nghiệp để bảo hộ ngành quan trọng hơn đối với mình, đó là sản xuất ô tô. Tất nhiên Nhật Bản cũng không trao thị trường nông nghiệp của mình cho Mỹ mà không đòi hỏi gì từ Mỹ bởi Nhật Bản cũng cương quyết yêu cầu Mỹ phải mở cửa thị trường ô tô. Tuy nhiên, dù Tokyo đã đề xuất các nhượng bộ trong nông nghiệp, chưa chắc Mỹ đã muốn mở cửa thị trường ô tô và vì vậy, tiến trình để đi đến được thỏa thuận thương mại lại thêm phần phức tạp.
Trong khi sức ảnh hưởng của ngành nông nghiệp ở Nhật Bản đã suy giảm rõ rệt như vậy, thì ở châu Âu tầm ảnh hưởng của ngành này vẫn còn khá lớn, nhất là ở Pháp, và vẫn là một rào cản đáng kể trong các cuộc đàm phán thương mại.
Các thành phần đề cao chủ nghĩa dân tộc ở các nước sản xuất nông nghiệp lớn ở châu Âu vẫn kiên định đòi bảo hộ các công ty, các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng có sự chỉ dẫn xuất xứ địa lý của mình trước các đối thủ cạnh tranh từ bên ngoài, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp khác nhằm bảo hộ ngành nông nghiệp của mình. Ít nhất trong 10 năm nữa, việc bảo hộ này sẽ vẫn giúp ngành nông nghiệp châu Âu có được tầm ảnh hưởng nhất định và chưa bị tác động nhiều từ các xu hướng phát triển công nghệ và suy giảm dân số. 

Những bất đồng trong đàm phán thương mại nói chung và đàm phán thuế nói riêng không phải là những lý do duy nhất khiến các cuộc đàm phán rơi vào thế bế tắc. Giới quan sát chỉ ra rằng nguyên nhân chính là những hàng rào phi thuế quan, chẳng hạn như những quy định quá khác biệt giữa các nước về cây trồng biến đổi gen và các kỹ thuật mới trong tạo gen.

Trong khi Mỹ và EU nỗ lực tìm cách đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn để hỗ trợ các cuộc đàm phán trong tương lại, thì Pháp lại kiên quyết phản đối đưa vấn đề nông nghiệp lên bàn đàm phán khiến Tổng thống Trump lại dọa rằng phía Mỹ sẽ áp thêm thuế nếu EU không nhất trí đưa nông nghiệp vào nội dung đàm phán. Như vậy nông nghiệp lại trở thành vướng mắc chính có thể khiến Mỹ và EU khó đạt được sự đồng thuận.

Tầm ảnh hưởng của ngành nông nghiệp cũng khá rõ rệt trong rất nhiều cuộc đàm phán thương mại khác. Một trong những động thái mới nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là ông Trump yêu cầu Bắc Kinh chuyển các loại thuế trả đũa đánh vào sản phẩm nông nghiệp Mỹ thành thuế đánh vào các mặt hàng khác.

Tổng thống Trump phải yêu cầu như vậy một phần bởi các bang sản xuất nông nghiệp trọng yếu đã ủng hộ ông hồi tranh cử năm 2016 hiện bị thiệt hại nặng nề do hậu quả của cuộc xung đột thương mại Mỹ- Trung. 
Các loại thuế mà Trung Quốc áp dụng nhằm trả đũa Mỹ đã ảnh hưởng nặng nề đến các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ và hạn chế họ tiếp cận với thị trường lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, các bang sản xuất nông nghiệp của Mỹ cũng bị ra rìa khi các đối thủ cạnh tranh của họ ở khắp nơi trên thế giới đang hưởng lợi từ những hiệp định thương mại mà các nước khác ký với nhau như CPTPP hay Hiệp định Kinh tế Thương mại Toàn diện giữa EU và Canada. Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra, đương nhiên ông Trump có lý do quá chính đáng để phải hành động ngay vì lợi ích của ngành nông nghiệp Mỹ.
Nhưng dù Tổng thống Trump có thực sự định làm như vậy thì vẫn có khoảng cách giữa lời nói và việc làm. Ngành nông nghiệp Mỹ cũng chưa đủ sức nặng khiến chính quyền Washington phải thông qua các chính sách có lợi cho ngành nông nghiệp về lâu dài, chẳng hạn như cơ cấu lại hệ thống trợ giúp nông nghiệp, thay đổi hệ thống thị thực nhắm tới khuyến khích lao động ngoài nước đến Mỹ làm nông nghiệp và khuyến khích giới trẻ tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp.  
Và do cả những yếu tố bất lợi về môi trường, ngành nông nghiệp của Mỹ thậm chí cũng chưa chắc hưởng lợi được gì nhiều từ những cam kết của chính phủ hứa hẹn giúp họ thâm nhập thị trường Trung Quốc rộng lớn trong thời gian sắp tới. Cụ thể, mùa mưa lũ hiện nay trên toàn bộ vùng Midwest của Mỹ đã làm hỏng hết các kho trữ hạt và đậu tương, trong khi nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc cho gia súc ở Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm trong ba năm tới giữa lúc dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho tổng đàn gia súc ở nước này.
Và cuối cùng là vấn đề tuổi tác. Những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều đang già đi nhanh chóng trong khi các nông trại ngày càng lớn mà chỉ có rất ít người cai quản và vận hành. Công nghệ mới, các công cụ tự động hóa, thiết bị nông nghiệp có độ chính xác cao và cả công nghệ sinh học đang làm thay đổi ngành nông nghiệp ở khắp nơi và đương nhiên cũng sẽ khiến vị trí của ngành này bị thay đổi trong các cuộc đàm phán chính trị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục