Nông nghiệp linh hoạt kế hoạch sản xuất đảm bảo đạt các chỉ tiêu

16:48' - 06/09/2021
BNEWS Đến nay, sản xuất nông, lâm, thủy sản cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Ngành nông nghiệp tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất.

Mặc dù dịch COVID-19 khiến nông nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn nhưng sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan như: năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng mạnh, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và tăng trưởng của cả nước. Đến nay, sản xuất nông, lâm, thủy sản cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Ngành nông nghiệp tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất.


Theo đó, lĩnh vực trồng trọt sẽ dược điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa. Đối với các vụ lúa còn lại, ngành sẽ bám sát thực tế để có biện pháp chỉ đạo đạt năng suất, sản lượng cao nhất, đặc biệt là vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết sẽ tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò. Cục tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật để tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học nhằm ổn định thị trường và giá cả thịt lợn. Đồng thời, theo dõi sát nhu cầu thị trường, diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới để kịp thời phối hợp với địa phương, doanh nghiệp triển khai các biện pháp không để tình trạng tăng đột biến về giá và không đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Với thuỷ sản, Tổng cục Thủy sản cho biết sẽ tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực như: tôm sú, tôm chân trắng, cá tra và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Ngành tăng cường hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nâng cao chất lượng khai thác; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để khai thác hải sản. Theo dõi sát thời tiết, dự báo ngư trường để hỗ trợ ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, bộ sẽ tiếp tục nắm bắt sát diễn biến, tình hình sản xuất và chỉ đạo địa phương duy trì hoạt động sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm và vật tư nông nghiệp phục vụ tại chỗ, chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung ứng cho các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá nguyên liệu và giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản để giảm giá thành vật tư đầu vào.
Bộ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, không để ứ đọng hàng hóa tại vùng sản xuất, nhà máy, trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Các đơn vị chuyên môn hỗ trợ thông tin doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Bộ phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản…
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua ngành nông nghiệp đã thực hiện quyết liệt các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất và phát triển kinh tế ngay từ đầu năm, phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, sản xuất và xuất khẩu 8 tháng đều tăng so với cùng kỳ. Xuất khẩu nông sản đã đạt được kết quả khả quan với tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù vậy, ngành cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn về tiêu thụ nông sản, dẫn đến giá nhiều nông sản giảm khá mạnh, đặc biệt đối với những sản phẩm vào chính vụ thu hoạch tại những địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến ngành nông nghiệp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị thuộc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, tập trung các giải pháp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Bộ đã thành lập Tổ công tác phía Nam và Tổ công tác phía Bắc nhằm phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ và tham mưu, kiến nghị Chính phủ các giải pháp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền xử lý của Bộ.
Hai Tổ công tác đã nhanh chóng làm việc, tổ chức các cuộc họp trực tuyến địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp về sản xuất và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là trong thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản và vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất trong tình hình giãn cách xã hội. Nhờ đó, tình hình thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long có khá hơn do các tỉnh tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh việc thu mua.
Tuy nhiên, đối với cây ăn quả, vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều đến thu mua và tiêu thụ do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm. Một số thương lái ngừng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp.

Khâu giết mổ, chế biến hoặc sơ chế các sản phẩm chăn nuôi chịu sự quản lý chặt về điều kiện sản xuất, gây tắc nghẽn hoạt động sản xuất kinh doanh; phát sinh các chi phí nuôi, chăm sóc khi không xuất chuồng được. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y ngày một tăng cao. Mức độ tiêu thụ sản phẩm gia cầm, ngoại trừ mặt hàng trứng, gặp rất nhiều khó khăn.


Trong thủy sản, chỉ có 30% doanh nghiệp thủy sản phía Nam đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”, công suất sản xuất trung bình giảm còn từ 30-40%. Nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu chỉ đạt từ 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Hiện tại, có 15/117 nhà máy sản xuất thức ăn và 120/449 nhà máy chế biến thủy sản dừng hoạt động ngừng hoạt động.  Hiện còn 17 cảng đang tạm dừng hoạt động. Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gẫy. Giá sản phẩm thủy sản giảm 15-20% so cùng kỳ.
Đã có 40% doanh nghiệp ngành chế biến gỗ phải ngừng sản xuất, 60% doanh nghiệp đảm bảo sản xuất “3 tại chỗ” nhưng chi phí cao là gánh nặng cho doanh nghiệp.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 giảm sâu, đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22% so với tháng 7/2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục