Nước Anh đang đi trên con đường Brexit đầy "chông gai"

07:00' - 16/07/2018
BNEWS Nếu tiến trình đàm phán vẫn chậm chạp, Anh có thể rời EU mà không đạt được thỏa thuận với EU. Và nếu “kịch bản” này xảy ra, Anh sẽ đối mặt các thách thức lớn hơn nhiều lần so với khó khăn hiện nay.
Tiến trình đàm phán Brexit vẫn còn gian nan. Ảnh minh họa: TTXVN
Ngày 26-6-2018, dự luật Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Chính phủ Anh, hay còn gọi là dự luật Brexit, đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phê chuẩn. Như vậy, dự luật Brexit đã chính thức trở thành luật, mở đường cho nước Anh rời khỏi EU. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán giữa Anh và EU thì vẫn còn nhiều chông gai phía trước. 
* Chính thức trở thành luật 
Trong một thông báo, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow (Giôn Bơ-cao) cho biết, Đạo luật Brexit vừa được phê chuẩn đã bãi bỏ Đạo luật Cộng đồng châu Âu năm 1972 đưa Anh trở thành một thành viên của EU. Theo đó, Đạo luật Brexit sẽ chuyển bộ luật của châu Âu vào bộ luật của Anh nhằm tránh xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào về luật pháp. Đạo luật Brexit cũng nêu rõ Anh sẽ chính thức rời khỏi EU vào lúc 23h ngày 29-3-2019 (tức 6h ngày 30-3-2019 theo giờ Việt Nam). 
Trước khi được Nữ hoàng Anh phê chuẩn, vào ngày 20-6 vừa qua, dự luật Brexit của Chính phủ Anh đã được Quốc hội nước này thông qua. Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật với tỷ lệ 319 phiếu ủng hộ và 303 phiếu chống. Hạ viện đã bác đề nghị trao quyền cho các nghị sĩ để tránh xảy ra kịch bản nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào. Trong khi đó, Thượng viện cũng đã chấp thuận những sửa đổi của chính phủ, trong đó cam kết coi trọng vai trò của nghị viện trong thỏa thuận cuối cùng về Brexit. 
Đạo luật này cũng đã trải qua hơn 250 giờ tranh cãi gay gắt tại Hạ viện kể từ khi được trình lên vào tháng 7-2017. 
Theo đánh giá của Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Chính phủ Anh, việc ban hành Luật Brexit là “bước tiến quan trọng” trong hoạt động chuẩn bị của Anh, và là “thời điểm tốt đối với tất cả những ai muốn có cuộc chia tay với EU trong suôn sẻ và có trật tự”. 
* “Cuộc chia tay” lịch sử khiến đôi bên đều thiệt hại 
Cách đây vừa tròn hai năm, ngày 23-6-2016, cuộc trưng cầu ý kiến người dân về việc “đi” hay “ở lại” EU đã diễn ra trên toàn nước Anh. Kết quả là "cuộc hôn nhân” không hạnh phúc kéo dài 43 năm giữa Anh và EU cuối cùng đã chấm dứt. 
Thế nhưng người ta đã không thể ngờ rằng, kết quả này đã mang lại những hệ quả có thể nhìn thấy ngay được, cho cả nước Anh lẫn Liên minh châu Âu (EU). 
Quyết định rời khỏi EU của 51,9% người dân Anh được cho là có ảnh hưởng sâu xa tới chính trị, kinh tế, thương mại tại Anh và nhiều tác động hơn thế. Rời khỏi EU, nước Anh đã tự đẩy mình vào một vị thế kinh tế ít thuận lợi hơn trong thị trường chủ chốt. Brexit khiến Anh mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở các nước EU, dẫn tới thiệt hại 6% GDP vào năm 2020, bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện có điểm đến là các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP. Ngoài ra, ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh không còn là thành viên của EU. 
Hai năm kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân, các nhà phân tích đưa ra ước tính mức độ thiệt hại từ quyết định Brexit đối với nền kinh tế của "xứ sở sương mù" vào khoảng từ 1-2% GDP, tươngg đương 20-40 tỷ bảng mỗi năm. Ðến hết quý I-2018, quy mô kinh tế Anh thu hẹp khoảng 1,2% so với giai đoạn trước Brexit, tương đương 24 tỷ bảng. Theo đó, “chi phí Brexit” vào khoảng 450 triệu bảng/tuần hoặc 870 bảng/hộ gia đình và con số này đang gia tăng khi mà vào thời điểm tháng 12-2017, Financial Times đưa ra con số trên mới là 350 triệu bảng/tuần. 
Các nhà kinh tế cho rằng khó có thể dự đoán thiệt hại đối với nền kinh tế Anh sẽ chấm dứt. Trong nãm 2018, tác động của Brexit sẽ tiếp tục tích dồn lại và có thể tương đương 2% GDP vào cuối năm nay. 
Không những vậy, việc Anh và EU chưa thể đi đến một một thỏa thuận cụ thể nào đã khiến các doanh nghiệp châu Âu lo ngại khi đầu tư vào Anh. Ngày 22-6-2018 vừa qua, tập đoàn sản xuất máy bay Airbus đã cảnh báo rằng hãng này sẽ rút khỏi Anh trong trường hợp tiến trình Brexit không đạt được thỏa thuận nào. Hãng Airbus cho rằng việc Anh rút khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào "sẽ dẫn tới tình trạng đình trệ và gián đoạn nghiêm trọng trong lĩnh vực sản xuất ở Anh". Do đó, Airbus cảnh báo kịch bản này sẽ buộc hãng phải cân nhắc lại những hoạt động đầu tư cũng như sự hiện diện lâu dài của hãng tại Anh, làm suy yếu nghiêm trọng những nỗ lực của Anh nhằm duy trì một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ cạnh tranh và đổi mới, phát triển những năng lực và công việc giá trị cao. Đây được coi là động thái gây sức ép buộc Thủ tướng Anh Theresa May phải đạt được sự tiến triển trong các cuộc thảo luận với EU về vấn đề Brexit. 
Không chỉ làm suy yếu nền kinh tế, Brexit còn kéo theo nguy cơ khiến xã hội Anh trở nên bất ổn. Hơn 2,2 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc lại các nước khác trong EU, có thể lâm vào cảnh thất nghiệp, đồng thời bị cắt đứt mọi quyền lợi tiếp cận ưu đãi trong xã hội. 
Brexit cũng đẩy chính trường Anh vào giai đoạn “bất ổn” giữa những tranh cãi giữa Quốc hội và Chính phủ Anh. Sau nhiều sóng gió, đôi lúc tưởng chừng Thủ tướng May không thể nắm vững tay chèo, song với sự điềm tĩnh, linh hoạt và mềm dẻo, bà May đã vượt qua mọi thách thức. Cho đến thời điểm này, các lực lượng chống đối, bất đồng quan điểm với Thủ tướng May trong đảng Bảo thủ đều thừa nhận nước Anh cần vai trò “thuyền trưởng” của bà ít nhất là từ nay đến hết tháng 3-2019. 
Không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và chính trị Anh, việc người dân Anh quyết định rời khỏi EU còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định chính trị của Liên minh châu Âu, thậm chí trên toàn cầu. 
Về quân sự, EU sẽ phải gánh chịu nhiều tổn thất khi thiếu vắng cường quốc quân sự này. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới chưa hết các cuộc xung đột vũ trang và còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, việc mất đi một cường quốc quân sự với thế mạnh về hải quân như Anh sẽ khiến sức mạnh quân sự của EU bị suy giảm. 
Về kinh tế, Anh cũng là nước đóng góp lớn thứ hai cho ngân sách của EU. Khi Anh rời EU, khối này có nguy cơ bị mất khoảng 12 tỷ euro (tương đương 13 tỷ USD). Các nghiên cứu còn cho thấy, nếu tiến trình đàm phán Brexit không đạt được thỏa thuận nào (còn gọi là Brexit “cứng”), EU có thể bị mất 1,2 triệu việc làm. Còn trong trường hợp nếu Anh và EU đạt được thỏa thuận (Brexit “mềm”), EU cũng sẽ mất khoảng gần 300.000 việc làm… 
* Vẫn còn gian nan 
Sau cú sốc ngày 23-6-2016 về việc Anh sẽ rời khỏi EU, bắt đầu từ cuối tháng 3-2017, nước này đã chính thức khởi động tiến trình đàm phán với các nước thành viên EU để rời khỏi liên minh này. Sau đó, các cuộc đàm phán Brexit đã chính thức được bắt đầu vào tháng 6-2017. Tuy nhiên, quá trình đàm phán đã liên tục lâm vào bế tắc khi cả hai bên vẫn không thể đi đến một quyết định quan trọng nào. Giữa Anh và EU tồn tại 3 vấn đề gai góc chủ chốt là: quyền công dân, nghĩa vụ tài chính và biên giới Ireland. 
Hồi tháng 12-2017, hai bên đã đạt được nhất trí về nội dung các văn bản pháp lý liên quan đến hai vấn đề là quyền của các kiều dân và thanh toán tài chính. Các công dân của Anh sang EU và công dân 27 nước EU sang Anh trong giai đoạn chuyển tiếp cũng được hưởng các quyền lợi và nhận được sự đảm bảo giống với những người đã tới trước Brexit. 
Mới đây, vào ngày 19-3-2018, sau một loạt những thương lượng căng thẳng, cuối cùng EU và Anh đã đạt được thỏa thuận bước ngoặt về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, với giai đoạn chuyển giao kéo dài tới gần 2 năm. Đây được coi là bước tiến mới trong đàm phán Brexit. Theo đó, giai đoạn chuyển tiếp sẽ tính từ ngày Anh rời EU vào 29-3-2019 và kết thúc vào ngày 31-12-2020. Trong khoảng thời gian này, Anh sẽ không tham gia vào các tiến trình hoạch định chính sách của EU tuy nhiên vẫn sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi của nước thành viên và được tiếp cận thị trường chung châu Âu cũng như liên minh hải quan. 
Ngày 21-6-2018, EU và Anh còn ra tuyên bố chung về những tiến bộ đạt được trong tiến trình đàm phán về Brexit trong các lĩnh vực như hải quan, Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom), chứng nhận hàng hóa, thuế giá trị gia tăng… 
Tuy nhiên, sau những bước tiến nêu trên, tiến trình đàm phán Brexit lại hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ”. Tiến trình “ly hôn” giữa Anh và EU đang được dự báo còn nhiều gian truân trong thời gian tới và khó có thể kết thúc đúng hẹn (vào trýớc cuối nãm 2018). Những bế tắc mới nhất giữa hai bên hiện nằm ở vấn đề đường biên giới Ireland. 
Kể từ sau Hội nghị cấp cao EU hồi cuối tháng 3-2018, đối thoại Anh và EU về vấn đề biên giới Ireland vẫn không có tiến triển nào mới. Ðây cũng sẽ là một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao EU sắp diễn ra vào tháng 10-2018. 
Hiện Anh muốn xây dựng một thỏa thuận thuế quan tạm thời với EU, theo đó Anh có thể tiếp tục ở lại liên minh thuế quan của châu Âu thêm 1 năm kể từ sau khi giai đoạn chuyển tiếp 2 năm hậu Brexit kết thúc. Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU M.Barnier lại cho rằng, phương án liên minh thuế quan có thể không được áp dụng đối với toàn nýớc Anh. EU đã đề xuất giải pháp trong đó chỉ có Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan hậu Brexit. 
Phản ứng lại, Anh cho rằng việc này sẽ khiến Bắc Ireland tách biệt khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh. Chính phủ Anh khẳng định, Anh sẽ không bao giờ chấp nhận đường biên giới hải quan giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Liên hiệp Anh, đồng thời cho biết lập trường này sẽ không thay đổi. Quan điểm thống nhất của Anh là không tạo ra một "đường biên giới cứng" giữa khu vực Bắc Ireland và CH Ireland (thành viên của EU). 
Có thể thấy, quỹ thời gian đàm phán về thỏa thuận Brexit đang cạn dần. EU đã đặt ra thời hạn hoàn tất thỏa thuận "ly hôn" với Anh vào tháng 10-2018 để Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu có đủ thời gian để thông qua trước thời điểm Anh chính thức rời EU dự kiến vào ngày 29-3-2019. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lo ngại cuộc họp cấp cao EU sắp tới có thể sẽ không đạt được nhiều tiến bộ về đường biên giới mềm tại Ireland cũng như định hình tương lai quan hệ thương mại Anh-EU. 
Các nhà phân tích nhận định, nếu tiến trình đàm phán vẫn chậm chạp, nguy cơ Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận Brexit với EU đang ngày càng lớn dần. Và, nếu “kịch bản” này xảy ra, nước Anh sẽ đối mặt các thách thức lớn hơn gấp nhiều lần so với khó khăn hiện nay./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục