Nuôi hàu bằng tấm fibro xi măng có ảnh hưởng thế nào tới môi trường?

16:38' - 08/03/2018
BNEWS Việc những tấm fibro xi măng sau khi thu hoạch hàu thương phẩm bị người nuôi đổ bỏ trực tiếp ngay xuống lòng sông hoặc đổ bỏ trên các bãi đất trống đang là thực trạng đáng lo ngại...
Các tấm fibro xi măng dùng để nuôi hàu bị chết vẫn được người nuôi tận dụng để chuẩn bị nuôi lại vụ mới. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, việc sử dụng tấm lợp fibro xi măng để làm giá thể nuôi hàu tính diễn ra phổ biến.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ quan chuyên môn nào vào cuộc nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, việc những tấm fibro xi măng sau khi thu hoạch hàu thương phẩm bị người nuôi đổ bỏ trực tiếp ngay xuống lòng sông hoặc đổ bỏ trên các bãi đất trống đang là thực trạng đáng lo ngại về lâu về dài đến môi trường nuôi, đến sự trầm tích của dòng sông trên địa bàn tỉnh.

Xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu là địa phương tập trung nhiều hộ nuôi hàu đông nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo thống kê của UBND xã Long Sơn, hiện nay trên toàn xã có 553 hộ nuôi hàu, với khoảng 90ha; trong đó có đến 80% người dân đang sử dụng tấm fibro xi măng để làm giá thể nuôi hàu với số lượng khoảng gần 300.000 tấm fibro xi măng mỗi vụ; trong đó, hầu hết các tấm lợp sau khi sử dụng được thải loại trực tiếp ra sông và các bến bãi nơi phân loại hàu thương phẩm.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bồi lắng đáy sông, tích tụ các cặn bã gây ô nhiễm môi trường và gây tác động trực tiếp đến nguồn nước nuôi trồng thủy sản hiện nay.

Ông Bùi Đức Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, trước đây, người nuôi chủ yếu dùng cọc tre, gỗ có trát xi măng cắm xuống sông cho hàu non tự nhiên bám vào và khoảng 1 đến 1,5 năm sau khi hàu lớn là thu hoạch. Với cách này, hàu bám rất nhiều, chất lượng tốt.

Tuy nhiên, cọc tre và gỗ thì khả năng trụ lại bền vững với sông nước không lớn, dẫn đến chi phí cao, gây tốn kém cho người nuôi.

Nhiều cọc, khi hàu phát triển mạnh có thể bị gãy đổ hoặc bị sóng nước xô ngã khiến người dân thất thu.

Đến khoảng năm 2008, khi phát hiện con hàu thích bám vào tấm lợp fibro xi măng và tấm lợp này lại có khả năng chịu nước, chịu sóng tốt nên bà con đã đổ xô nuôi theo phương pháp này mà không tính đến việc ô nhiễm nguồn nước hay ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Trần Văn Minh - thôn 4, xã Long Sơn là người có “thâm niên” 10 năm nuôi hàu bằng tấm lợp fibro xi măng cho biết, tấm lợp này khi mua dài 1,5m.

Người nuôi cắt thành 3 đoạn, sau đó, cắt thành từng mảnh nhỏ, đục lỗ xỏ dây thừng qua để kết nối thành từng ô và nhiều ô kết thành 1 bè được cố định bằng các cọc gỗ để treo cố định lại dưới sông.

Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng mùa sinh sản của hàu, các tấm lợp fibro xi măng được thả xuống sông để hàu non bám vào. Sau khoảng thời gian từ 1 - 1,5 năm mới cho thu hoạch hàu thương phẩm.

Sau khi thu hoạch hàu thương phẩm, phần lớn những giá thể là các tấm lợp fibro xi măng dùng để hàu bám vào thường được chở ra chỗ nước sâu đổ bỏ thẳng xuống sông.

Người nuôi hàu bằng giá thể fibro xi măng trên địa bàn xã Long Sơn hiện nay hầu như không quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường hay sự trầm tích của dòng sông khi đổ bỏ các giá thể này - ông Minh chia sẻ.

Tương tự, ông Phạm Văn Hào - xã Long Sơn cũng cho biết, sau khi thu hoạch hàu thương phẩm thường tìm bãi đất nào sát bìa rừng để đổ bỏ giá thể bằng tấm lợp fibro xi măng ngoài đó chứ không thu gom hay xử lý.

Ông cho rằng, sử dụng tấm fibro xi măng này không thể ô nhiễm tới môi trường sinh thái, cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nên không quan tâm.

Trước thực trạng này, nhiều năm qua ngành nông nghiệp tỉnh, cụ thể là cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thường xuyên tuyên truyền, tập huấn cho người dân nuôi hàu trên địa bàn tỉnh về tác hại của việc nuôi hàu bằng giá thể fibro xi măng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nuôi.

Việc đổ bỏ các tấm giá thể fibro sau khi nuôi hàu là hành động vô ý thức của người nuôi sẽ có tác hại trực tiếp, lâu dài đến môi trường nuôi của chính người dân.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền, tập huấn nên hầu như không mấy hiệu quả trong chuyển đổi nhận thức cho người nuôi.

Người nuôi hàu bằng giá thể fibro xi măng ngày càng nhiều đã và đang gây nên tình trạng lo ngại về sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sinh thái, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có Văn bản số 1669/SNN-TS gửi Tổng cục Thủy sản cho ý kiến về việc sử dụng tấm lợp fibro xi măng vào nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, đề nghị Tổng cục Thủy sản có các chương trình, dự án, đề tài về việc sử dụng tấm lợp trong nuôi trồng thủy sản; có các đề tài nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ nuôi hàu, theo phương pháp mới, nuôi không sử dụng tấm lợp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước tiến tới việc loại bỏ hoàn toàn sử dụng các sản phẩm có chứa amiang trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, đến nay phía Tổng cục Thủy sản vẫn chưa có văn bản trả lời cũng như động thái về vấn đề này.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt đầu xuất hiện mô hình nuôi hàu giống Thái Bình Dương.

Con giống Thái Bình Dương được cấy sẵn lên các giá thể là chính vỏ hàu đã khai thác lấy ruột, không phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên năng suất, sản lượng ổn định.

Mặt khác, hàu có tốc độ tăng trưởng nhanh, khoảng 5-6 tháng nuôi là thu hoạch, có khả năng thích ứng tốt tại vùng nuôi, đồng thời không gây ô nhiễm cho môi trường.

Theo một số hộ dân bắt đầu nuôi thử nghiệm hàu Thái Bình Dương trên địa bàn xã Long Sơn cho biết, giống hàu Thái Bình Dương ít bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm của môi trường nước như hàu tự nhiên.

Khi gặp nước sông ô nhiễm thì hàu ngậm miệng lại, tự ăn sữa bên trong vỏ. Do không tiếp xúc nhiều với nước ô nhiễm nên hàu không bị chết hàng loạt.

Theo thống kê của UBND xã Long Sơn, hiện trên địa bàn xã có gần 40 hộ nuôi hàu Thái Bình Dương trên diện tích 26ha.

Theo các hộ nuôi hàu Thái Bình Dương, nuôi loại hàu này ban đầu chi phí đầu tư cao, cần nhiều lao động nhưng thu hoạch nhanh, giá bán ổn định, đặc biệt là an toàn với môi trường nuôi và an toàn đối với người sử dụng hàu thương phẩm, nên nhiều người nuôi lồng bè tại xã Long Sơn đã bắt đầu chuyển dần sang nuôi theo hình thức này.

Đây thực sự là mô hình mới cần được ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao phương pháp nuôi tới người nuôi hàu trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương cũng hỗ trợ nuôi về chi phí con giống hàu Thái Bình Dương bằng các hình thức như: mua giống trả chậm, vay vốn ngân hàng để đầu tư con giống (vì hiện nay chi phí con giống hàu Thái Bình Dương còn khá cao)….nhằm giúp người dân loại bỏ dần phương pháp nuôi hàu bằng giá thể fibro xi măng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nuôi và sức khỏe người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục