Phản hồi thông tin của TTXVN về “Đường hẻm bỗng dưng biến thành… đất ở"

09:03' - 26/12/2019
BNEWS Sau khi TTXVN có bài phản ánh con hẻm duy nhất nối thông ra đường Võ Nguyên Giáp (Kon Tum) lâu nay bỗng dưng bị rào chắn... để làm nhà, khiến người dân tại tổ 3, tổ 4, phường Ngô Mây rất bức xúc.
Con đường hẻm Võ Nguyên Giáp (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) bị chiếm dụng xây dựng nhà ở. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Sau khi Thông tấn xã Việt Nam có bài phản ánh con hẻm duy nhất nối thông ra đường Võ Nguyên Giáp phục vụ việc đi lại của nhiều người dân tại tổ 3, tổ 4, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum (Kon Tum) lâu nay bỗng dưng bị rào chắn... để làm nhà, khiến người dân tại tổ 3, tổ 4, phường Ngô Mây rất bức xúc.

Trước sự việc trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Kon Tum đã phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Ngô Mây tổ chức kiểm tra, xác minh. Theo kết quả xác minh, tuyến đường hiện trạng mà người dân kiến nghị có nguồn gốc là đất của bà Vũ Thị Dung.

Cụ thể, năm 1999, bà Vũ Thị Dung được Ủy ban nhân dân thị xã Kon Tum cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất số 8, tờ bản đồ số 29, thuộc thôn Thanh Trung, xã Vinh Quang, với diện tích 13.990 m2.

Trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này không thể hiện đường đi hiện trạng như hiện nay. Đường đi này là phần diện tích nằm trong diện tích đất đã cấp Giấy chứng nhận cho bà Vũ Thị Dung. Đồng thời, theo bản đồ địa chính chính quy năm 1999, tại tờ bản đồ số 29 cũng không thể hiện đường đi này mà thể hiện là đất của bà Vũ Thị Dung.

Đến năm 2009, hộ bà Vũ Thị Dung chuyển nhượng một phần thửa đất cho 20 hộ dân. Trong số các hộ này, bà Phạm Thị Kiên và ông Phạm Ngọc Thơ là người nhận tặng cho Quyền sử dụng đất.

Phần diện tích đất còn lại, đến năm 2016, bà Vũ Thị Dung cấp đổi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời điểm này, phần tuyến đường hiện trạng hiện nay vẫn chưa thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đến tháng 8/2017, bà Phạm Thị Kiên chuyển nhượng một phần diện tích đất cho ông Phạm Ngọc Thơ (diện tích 227,8 m2 - một phần đất hiện nay là đường hiện trạng (rộng khoảng 5,3m) mà người dân đang kiến nghị.

Đối với phần diện tích đất hẻm này, ngày 09/10/2019, ông Phạm Ngọc Thơ được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT 221226, thửa đất số 297, tờ bản đồ số 18, diện tích 183,3m2 (80m2 đất ở đô thị).

Qua xác minh, tuyến đường hiện trạng mà người dân tổ 3, tổ 4, phường Ngô Mây kiến nghị, trước đây nằm trong tổng diện tích đất của bà Vũ Thị Dung, nhưng do để đất trống nên các hộ dân đi lại dần dần hình thành đường mòn hiện trạng (rộng khoảng 5,3m).

Như vậy, đường đất hiện trạng thực chất trước đây thuộc quyền sử dụng của bà Vũ Thị Dung, sau đó thuộc quyền sử dụng của các hộ nhận chuyển nhượng đất của bà Vũ Thị Dung.

Trước thực tế đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Kon Tum đã đề xuất: Căn cứ Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền về lối đi qua.

Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Con đường hẻm Võ Nguyên Giáp (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) bị chiếm dụng xây dựng nhà ở. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

Căn cứ Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đối với đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của Tòa án nhân dân.

Hiện nay, các hộ dân tổ 3, tổ 4, phường Ngô Mây kiến nghị về lối đi chung tại vị trí đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phạm Ngọc Thơ, do đó đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố giao Ủy ban nhân dân phường Ngô Mây hướng dẫn các hộ dân gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân thành phố để được giải quyết theo thẩm quyền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục