Bạc Liêu phát hiện nhiều bấp cập trong đầu tư, gây lãng phí

14:13' - 15/11/2018
BNEWS Qua khảo sát thực tế cho thấy, có những công trình đã hư hỏng, xuống cấp, không thể tính được giá trị thực, thậm chí không tồn tại trên thực tế.
Dự án Bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Hòa Bình. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Báo cáo giám sát số 11/BC-HĐND ngày 9/7/2018 của Hội đồng nhân dân huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu về “Kết quả giám sát các khoản nợ, cho tạm ứng, quyết toán trước trong xây dựng cơ bản từ trước đến nay nhưng chưa giải quyết dứt điểm” đã phát hiện nhiều bấp cập trong đầu tư, gây lãng phí.

Báo cáo nêu rõ, qua giám sát cho thấy các đơn vị làm chủ đầu tư đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: đầu tư không đúng trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn của cấp trên; chỉ định các nhà thầu hạn chế về năng lực tài chính; cho các nhà thầu tạm ứng, thanh quyết toán không đúng quy định theo từng giai đoạn, hạng mục công trình.

Đáng chú ý, có những công trình chưa thi công đã cho tạm ứng và thanh, quyết toán… Điều này dẫn đến nhà thầu thực hiện không đúng hợp đồng, không đảm bảo chất lượng công trình, không đúng thiết kế, bản vẽ.

Bên cạnh đó, qua giám sát đã phát hiện 8 công trình đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012, nhưng đến nay không có hồ sơ, thiết kế, bản vẽ, chi tiết tính chi phí cho từng hạng mục, nên không có cơ sở thanh toán, quyết toán.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, có những công trình đã hư hỏng, xuống cấp, không thể tính được giá trị thực, thậm chí không tồn tại trên thực tế. Đối với dự án Bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Hòa Bình, trong quá trình thực hiện dự án, công trình chưa thi công nhưng chủ dự án đã cho nhà đầu tư tạm ứng, thanh quyết toán trước với số tiền hơn 6 tỷ đồng từ năm 2012. Đến nay, nhà đầu tư chưa giải quyết dứt điểm, gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước.

Cũng theo báo cáo giám sát, tính đến tháng 7/2018, trên địa bàn huyện Hòa Bình có 9 công trình, dự án còn nợ tạm ứng ngân sách hơn 7,6 tỷ đồng; trong đó, các nhà đầu tư, công trình có nợ tạm ứng lớn, như: Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng công trình-Hòa Bình, thi công các gói thầu Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Bình (gói 12) với số tiền 2,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Hoàng Hà, thi công các gói thầu Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Bình với tổng số vốn 1,8 tỷ đồng; doanh nghiệp tư nhân Chí Tôn, thi công các gói thầu Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Bình (gói 12) với số tiền 1 tỷ đồng. Đặc biệt, có 3 dự án, công trình đã bố trí vốn nhưng chưa hoàn tạm ứng, với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

Báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân huyện Hòa Bình đã có đề xuất, kiến nghị UBND, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Hòa Bình, phải tăng cường các biện pháp, giải pháp, xử lý nghiêm, dứt điểm các nhà thầu nợ tiền tạm ứng, thu hồi vốn nộp vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân vi phạm trong quá trình đầu tư, thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn huyện…

Lãnh đạo UBND huyện Hòa Bình cho biết, bước đầu UBND huyện xin ý kiến Ban Thường trực và UBND huyện đã thành lập tổ kiểm tra, giám sát, giao cho Trưởng Phòng kinh tế huyện làm Tổ trưởng nhưng đến nay, tổ này chưa có kết quả báo cáo.

Theo lãnh đạo UBND huyện Hòa Bình, cái khó hiện nay đã có nhiều công trình, dự án không có hồ sơ, thiết kế, bản vẽ… nên gặp nhiều khó khăn trong xử lý, giải quyết như báo cáo giám sát kiến nghị./.

>>>Có nên cải tạo chung cư cũ thành các khu nhà cao tầng?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục