Phía sau những toan tính kinh tế là chính trị (Phần 1)

10:17' - 31/07/2018
BNEWS Đối với nước Mỹ, chiến tranh thương mại không đơn thuần xuất phát từ lợi ích kinh tế mà là sự tổng hòa của những toan tính về kinh tế, chính trị, mà thậm chí chính trị lại là yếu tố cốt lõi.

No Title

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 20/1/2017, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức với quyết tâm sẽ làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ngay lập tức, vị Tổng thống doanh nhân đầu tiên của nước này đã đưa ra một loạt quan điểm bảo hộ thương mại và chỉ trích các đối tác đang hưởng lợi từ những thiệt thòi của nước Mỹ.

Trong các chính sách thương mại, trước tiên, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với lý do hiệp định này sẽ là một tai họa tiềm tàng đối với Mỹ. 

Theo sau đó là hàng loạt những động thái nhằm gây hấn với các đồng minh truyền thống như đe dọa xây dựng bức tường biên giới với Mexico, yêu cầu tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và gần đây nhất là tuyên bố áp đặt các mức thuế quan lần lượt là 10% và 25% đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico.

Ngoài các đồng minh truyền thống thì Trung Quốc và Nga cũng là hai đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ những “cơn thịnh nộ” của nước Mỹ. Điển hình là ngày 11/7, sau khi đã chính thức áp đợt thuế đầu tiên đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, Washington lại tiếp tục đe dọa sẽ công bố danh sách các hàng hóa bổ sung của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD tiếp tục phải chịu thuế của Mỹ. 

Có thể nói, đối với nước Mỹ, chiến tranh thương mại không đơn thuần xuất phát từ lợi ích kinh tế mà là sự tổng hòa của những toan tính về kinh tế, chính trị, mà thậm chí chính trị lại là yếu tố cốt lõi. 

Thứ nhất, không thể phủ nhận rằng Tổng thống Trump lên nắm quyền vào thời điểm kinh tế Mỹ còn tồn tại nhiều điểm bất cập, khiến dư luận hoang mang về tư duy điều hành kinh tế của chính phủ. 

Theo quan điểm của tân Tổng thống, đây là hệ lụy của việc các đối tác truyền thống của Mỹ đã thực hiện “thương mại không công bằng”, từ đó gây ra tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ của nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Điều này lý giải vì sao chính quyền của Tổng thống Donald Trump luôn tỏ ra cứng rắn trong các chính sách với đồng minh, từ việc yêu cầu tái đàm phán hiệp định NAFTA cho đến những quyết định sẽ áp thuế đối với các đồng minh lâu năm. 

Rõ ràng, chính quyền Trump đang muốn sử dụng thuế quan để cải thiện cán cân thương mại của đất nước và cùng với chính sách hạ thấp thuế doanh nghiệp, Washington tỏ rõ tham vọng lôi kéo các doanh nghiệp Mỹ có lợi nhuận lớn ở nước ngoài quay về “định cư” tại quê hương.

Tuy nhiên, ẩn sau những bước đi về kinh tế, có thể thấy rằng Tổng thống Trump đang muốn “dọn đường” cho những ý đồ chính trị của mình. Chiến thắng của ông Trump trước ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton đã phản ánh sự chia rẽ sâu sắc nhất trong xã hội Mỹ. 

Từ lâu nay, đảng Dân chủ luôn là phe ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại hơn đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, các cựu Tổng thống đảng Dân chủ của Mỹ trước đây đã thành công trong việc tiết chế được xu hướng bảo hộ trong nội bộ đảng của họ, và “bắt tay” cùng với đảng Cộng hòa để thúc đẩy tự do thương mại. 

Mặc dù vậy, điều này đã hoàn toàn thay đổi với chiến thắng của vị Tổng thống doanh nhân đầu tiên nước Mỹ là Donald Trump. 

Việc ông Trump vượt qua ứng cử viên nặng ký là bà Hillary Clinton phần nhiều là dựa vào tâm lý bất mãn của người dân trước những tổn thất trong thị trường việc làm liên quan đến thương mại tự do. 

Ông đã thành công trong việc tạo ra tâm lý rằng hệ thống thương mại thế giới là không công bằng, và Trung Quốc hiện đang tận dụng lỗ hổng đó. Một báo cáo được công bố hồi đầu tháng 1/2018 cho thấy thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2017. 

Trên trang twitter cá nhân của mình, người đứng đầu Nhà Trắng đã viết: “Khi một quốc gia (Mỹ) đánh mất hàng tỷ USD vì lý do thương mại với hầu như tất cả những nước có quan hệ giao thương, thì cuộc chiến thương mại là điều tốt, và (nước Mỹ) có thể dễ dàng giành chiến thắng”. 

Do đó, cùng với việc đánh thuế lên các sản phẩm thép, nhôm nhập khẩu từ các nước châu Âu, Trung Quốc…, Tổng thống Trump muốn nhấn mạnh thông điệp rằng ông sẽ thực hiện lời hứa “đặt nước Mỹ lên trên hết” của mình, và lấy lại vị thế trong lòng một bộ phận dư luận Mỹ vốn đang hoài nghi về khả năng cầm quyền của ông. 

Mức độ thành công trong việc thực hiện lời hứa này sẽ là yếu tố quyết định khả năng tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump dự kiến diễn ra vào cuối năm nay./.

>>> Xem thêm: Phía sau những toan tính kinh tế là chính trị (Phần 2) 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục