Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần hành động nhanh chóng và quyết liệt gỡ “thẻ vàng”

15:52' - 15/10/2019
BNEWS Hiện đã ngăn chặn được tình trạng tàu cá xâm phạm ngư trường các quốc gia, quốc đảo Thái Bình Dương.
Cuộc hợp Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) sáng 15/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá, hiện đã ngăn chặn được tình trạng tàu cá xâm phạm ngư trường các quốc gia, quốc đảo Thái Bình Dương; cơ bản ngăn chặn, giảm thiểu được tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài như các tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa, Phú Yên…

Có được kết quả này là sự nỗ lực của các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố ven biển trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp chống IUU.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, vẫn còn một số nhiệm vụ, công việc đề ra chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị trong việc khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển bước đầu được triển khai, nhưng chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa thực hiện đồng bộ, kịp thời cũng như áp dụng chế tài xử lý các hành vi khai thác IUU chưa nghiêm và triệt để…

Theo Phó Thủ tướng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên như: năng lực khai thác của người dân vượt quá quy mô nguồn lợi hải sản; công tác tuyên truyền, vận động, hạn chế, ngăn chặn của các Bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nếu xảy ra việc EC áp dụng “thẻ đỏ” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tuy tín của ngành thủy sản Việt Nam, kéo theo kinh tế và đời sống của ngư dân gặp khó khăn.  Do đó, chúng ta cần phải hành động nhanh chóng, quyết liệt, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc ngăn chặn, loại bỏ hoạt động khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam.

Để ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo và tăng cường lãnh đạo trong lĩnh vực này.

“Vai trò của Bộ Quốc phòng vô cùng quan trọng. Đây là lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế biển, thực hiện đúng các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế. Nếu cần thiết có thể sử dụng biện pháp cưỡng chế các tàu cá cố tình vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về xử lý vi phạm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục tăng cường việc nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm có dấu hiệu môi giới, móc nối của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. UBND các tỉnh, thành phố ven biển có trách nhiệm chính và Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm về việc ngăn chặn tình trạng vi phạm các quy định khai thác hải sản.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Quốc phòng theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển, kịp thời trao đổi thông tin và xử lý nghiêm theo quy định các tàu cá vi phạm.

Các địa phương có tàu cá vi phạm cần kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra các vi phạm trong thời gian qua; đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả, không để tái diễn tình trạng này.

Bến Tren lắp đặt hệ thống định vị tàu cá cho ngư dân huyện Ba Tri. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN
Về triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng để triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển kết nối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU giải quyết các vấn đề mang tính chất liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ khắc phục các khuyến nghị của EC.

Trước mắt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các Bộ, ngành làm việc một cách hiệu quả với Đoàn thanh tra của EC, dự kiến sang Việt Nam vào đầu tháng 11 tới.

Để quản lý tàu cá ra khơi, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan, tỉnh đã đặt hàng Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu, lắp đặt các thiết bị định vị. Với phần mền này, tôi hoàn toàn có thể kiểm tra được vị trí các tàu qua điện thoại.

Tuy nhiên, Cà Mau vẫn còn vấn đề nổi cộm là có hai cảng cá lớn, nhưng chưa đồng bộ về hạ tầng, đường kết nối giao thông cũng chưa được đầu tư nên chỉ xe tải nhỏ vào được, gây khó khăn trong vận chuyển. Bên cạnh đó, tỉnh có 85 cửa biển; trong đó có khoảng 30 cửa biển tàu có thể ra/vào nên việc kiểm soát, quản lý tàu cá theo quy định để khai báo, kiểm kê cũng còn bất cập.

Ông Nguyễn Tiến Hải kiến nghị, Trung ương có tiêu chí chung về phần mềm, thiết bị giám sát tàu cá và hỗ trợ địa phương, ngư dân lắp đặt thiết bị. Chính phủ và các Bộ,  ngành nghiên cứu hỗ trợ tỉnh đầu tư các bến cá, cảng cá để khắc phục những khó khăn.

Đại diện tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát là rất quan trọng. Cùng với đó, lực lượng biên phòng và các địa phương cần phối hợp kiểm tra, kiểm soát các phương tiện để tránh hiện tượng tỉnh nào kiểm tra chặt chẽ thì tàu sẽ đi tỉnh khác.

“Thời gian tới, tỉnh kiên quyết xử lý và tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp. Ngư dân không phải không hiểu luật các nước mà do vấn đề kinh tế nên cần tiếp tục vận động, tuyên truyền; đồng thời lắp đặt thiết bị hành trình để kiểm tra, giám sát tàu cá”, đại diện tỉnh Kiên Giang cho biết.

Là một trong những tỉnh làm tốt việc chống khai thác IUU, Phú Yên hiện không còn tình trạng có tàu cá vi phạm, đại diện UBND tỉnh chia sẻ. Tuy nhiên, chế tài xử phạt ngư dân vi phạm cần phải mạnh hơn và khi tàu các vi phạm sẽ cắt hết các chính sách hỗ trợ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 30/9, số lượng tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình gồm: tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên đạt 66,19%; tàu cá từ 15m đến dưới 24m đạt 15,41%; tàu dưới 15m có 77 tàu cá. Tỷ lệ tàu cá bật thiết bị giám sát hành trình 24/7 khi hoạt động khai thác trên biển đạt 32%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã công bố 61 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác qua cảng. Từ đầu năm nay, các đơn vị đã chứng nhận trên 3.000 giấy chứng nhận thủy sản khai thác với gần 39.000 tấn thủy sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục