Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành du lịch cần bổ sung các chiến lược, quy hoạch phù hợp

19:10' - 26/12/2017
BNEWS Ngành du lịch cần tiếp tục bổ sung các chiến lược, quy hoạch phù hợp, nhất là thực hiện cho được Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Chiều 26/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nêu rõ năm 2017, du lịch Việt Nam được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển.

Toàn ngành tập trung xây dựng hệ thống văn bản quy định thực hiện Luật Du lịch 2017, trình ban hành đúng thời hạn. Du lịch Việt Nam thực hiện thành công nhiệm vụ tăng trưởng 30% lượng khách quốc tế được Thủ tướng Chính phủ giao, đóng góp tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Công tác quản lý nhà nước về du lịch được đẩy mạnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tập trung đối với lĩnh vực quản lý hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên. Công tác quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch tăng cường, đổi mới.

Ngành du lịch đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư xã hội vào nhiều tỉnh/thành phố, tập trung đối với phân khúc cao cấp, nâng cao hình ảnh và năng lực cạnh tranh của du lịch.

Nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế-xã hội được nâng cao và chuyển biến rõ rệt. Nhiều địa phương đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh trọng điểm về du lịch đã có những chính sách, giải pháp cụ thể, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ngành du lịch nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu quốc tế \, nâng cao hình ảnh Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo thống kê, về khách du lịch, ước đạt 13 triệu khách quốc tế (đáp ứng chỉ tiêu được giao tăng 30% về khách quốc tế, kết quả này có thể coi là kỳ tích của ngành, lần đầu tiên mức tăng về khách du lịch đạt gần 3 triệu khách/năm); phục vụ 73,2 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Tổng thu từ khách du lịch đạt 510.900 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch không ngừng được đầu tư, phát triển với trên 25 nghìn cơ sở, với hơn 500 nghìn buồng; trong đó có 116 khách sạn 5 sao với trên 33 nghìn buồng, 259 khách sạn 4 sao và 488 khách sạn 3 sao... Nhiều khu du lịch có chất lượng, thương hiệu đã được hình thành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nội tại ngành du lịch còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục. Đó là chất lượng dịch vụ tại một số khu, điểm du lịch còn chưa đảm bảo, đặc biệt là thời kỳ cao điểm; công tác quản lý chưa đồng bộ, chặt chẽ dẫn đến xuất hiện tình trạng tour giá rẻ, quản lý khách, hướng dẫn viên còn tạo dư luận trong xã hội; năng lực cạnh tranh còn thấp, thương hiệu du lịch chưa xứng tầm và hiệu quả sử dụng marketing hiện đại để quảng bá chưa cao; công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường còn thiếu sót, rác thải ô nhiễm, tai nạn ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại một số điểm du lịch còn xảy ra.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng du lịch trong năm qua đã nhận được sự quan tâm từ Trung ương đến các tầng lớp xã hội. Những kết quả đạt được đã góp phần tăng trưởng dịch vụ, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt liên quan chặt chẽ đến việc xây dựng đời sống văn hoá, hình thành nếp sống văn minh, chấp hành pháp luật...

Kết quả trong năm qua là hết sức ấn tượng, với việc tăng trưởng 30% lượng khách quốc tế Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, chưa thể hài lòng với kết quả này, bởi đây mới chỉ đạt về số lượng, trong khi đó, chất lượng vẫn là việc cần bàn đến.
Số lượng khách quốc tế vào Việt Nam; số khách sạn đạt xếp hạng 3-5 sao tại Việt Nam đã có nhưng chưa đạt. Để tiếp tục giữ được đà tăng trưởng như hiện nay, thời gian tới, du lịch Việt Nam phải hoàn thiện từ sản phẩm du lịch, cơ sở lưu trú, nhân lực du lịch, bảo tàng, công viên chuyên đề…

Tới đây, ngành du lịch cần tiếp tục bổ sung các chiến lược, quy hoạch phù hợp, nhất là phải thực hiện cho được Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Theo Phó Thủ tướng, ngành du lịch phải phát triển để xứng tầm, trở thành ngành mũi nhọn. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần xác định một số nhiệm vụ để tiếp tục phát triển du lịch với những trọng tâm cụ thể nhằm nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện.

Phát triển du lịch phải gắn với phát triển văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa mới phải có giải pháp để đẩy mạnh môi trường du lịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục