PVN có 8 dự án điện khó hoàn thành tiến độ

15:14' - 28/02/2020
BNEWS PVN được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Cả 8 dự án đều khó hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Hoạt động trên công trường Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh minh họa
Theo báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Theo đó, giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án. Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và khó hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Cụ thể hơn, các dự án đang thi công xây dựng gồm Nhiệt điện Thái Bình II, Nhiệt điện Long Phú I, Nhiệt điện Sông Hậu 1 đều chậm tiến độ 2-3 năm.
Với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (2x600 MW), theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ tổng thể đến nay đạt 84,31%. Dự kiến đưa Tổ máy 1 vào vận hành tháng 12 năm 2020 và Tổ máy 2 vận hành quý I năm 2021. Tuy nhiên, tiến độ thực tế chưa thể xác định do có nhiều khó khăn vướng mắc cần giải quyết.
Với dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 (2x 600 MW), theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành năm 2019 nhưng hiện nay đạt khoảng 80%. Việc lựa chọn nhà thầu phụ hệ thống khử lưu huỳnh (FGD) bị kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án khoảng 24 tháng.
Phương pháp điều chỉnh giá Hợp đồng EPC mặc dù đã có các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành nhưng khi triển khai chi tiết còn nhiều công việc chưa có đủ định mức, đơn giá phù hợp. Do đó, cần phải xây dựng, thỏa thuận, thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá, xin hướng dẫn, thỏa thuận các bộ định mức, đơn giá công trình.
Căn cứ tình hình triển khai dự án, Tổng thầu đã xây dựng tiến độ hoàn thành thực tế, phấn đấu đưa vào vận hành thương mại Tổ máy số 1 vào tháng 5/2021 và Tổ máy số 2 vào tháng 9/2021.
Với dự án Nhiệt điện Long Phú 1 (2x600 MW), theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành năm 2018-2019, khối lượng công việc ước tính đạt 77,56% so với kế hoạch. Đến nay, dự án vẫn chưa xác định được tiến độ hoàn thành do Nhà thầu Power Machines (PM)  không tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC vì không giải quyết được các khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, Chính phủ vẫn đang tiếp tục chỉ đạo PVN và các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục thực hiện dự án.
Báo cáo cũng nêu ra các dự án đang ở bước chuẩn bị đầu tư xây dựng của PVN gồm: Dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3&4 (2x (650-880) MW theo tiến độ quy hoạch điện VII điều chỉnh sẽ vận hành 2020-2021. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 27/2/2019 phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, vận hành năm 2022-2023. Hiện nay, chủ đầu tư đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Dự án nhà máy điện khí Miền Trung 1&2 (2x750 MW) tiến độ theo quy hoạch điện VII điều chỉnh sẽ vận hành 2023-2024. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện khí miền Trung 1&2 tại Quyết định số 1459/QĐ-TTg ngày 25/10/2019. Theo Quyết định, tiến độ thực hiện triển khai đồng bộ với tiến độ cấp khí của dự án nguồn thuộc Chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh. Dự kiến vận hành thương mại quý VI năm 2023 (Miền Trung I) và quý II năm 2024 (Miền Trung II).
Hiện PVN đang đôn đốc tư vấn hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án làm cơ sở trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Song song với quá trình lập báo cáo, PVN đang triển khai lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể của dự án để có thể phê duyệt ngay sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được phê duyệt. PVN cũng đang xây dựng kế hoạch, tiến độ tổng thể triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện miền Trung 1&2 làm cơ sở để triển khai dự án, đảm bảo đồng bộ tiến độ với khâu thượng nguồn.
Các dự án khác đã đề nghị giao chủ đầu tư khác như: dự án nhà máy điện khí Sơn Mỹ 2 (750 MW) đã giao cho Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư dự án. Hiện nay, PVN đang làm việc với Tập đoàn AES về xử lý các chi phí mà PVN đã thực hiện đối với dự án, đồng thời tiến hành nghiệm thu và thanh lý hợp đồng tư vấn lập báo cáo tiền khả thi và báo cáo khả thi với các nhà thầu tư vấn.
Với dự án Nhiệt điện Long Phú III, ngày 23/11/2019, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1576/TTg-CN giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm và hướng dẫn Công ty Banpu Power Public Limited (Thái Lan) là nhà đầu tư thay thế PVN thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu chất lượng, hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo cung ứng điện cho khu vực phía Nam...
Đến thời điểm hiện nay, ngoài 19 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT với tổng công suất gần 27.000 MW, còn có 7 dự án có công suất trên 100 MW được đầu tư xây dựng theo hình thức IPP với tổng công suất gần 2.000MW.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, các dự án này cũng đều chậm tiến độ; trong đó, một số dự án khó xác định được thời gian hoàn thành như dự án Thủy điện Mỹ Lý, Nậm Mô; Dự án Nhiệt điện Công Thanh vẫn chưa giải quyết xong giải phóng mặt bằng; Dự án Thủy điện Hồi Xuân vẫn chưa thể tích nước do chưa hoàn tất việc thi công Dự án Nâng cấp Quốc lộ 5 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa từ Ngã ba Tòng Đậu đến Ngọc Lặc (đoạn tránh ngập hồ Thủy điện Hồi Xuân)...
Để gỡ khó cho các dự án chậm trễ của PVN, Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đề xuất Thủ tướng Chính phủ Giao Ủy ban quản lý vốn chủ trì, sớm giải quyết các vướng mắc của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và dự án Nhiệt điện Long Phú 1.
Bộ Công Thương cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy nhanh công tác thẩm định các dự án điện, tạo điều kiện đảm bảo thời gian triển khai dự án. Đồng thời, nghiên cứu, phân cấp cho PVN chủ động thực hiện các bước thiết kế của một số công trình hoặc hạng mục dự án trong phạm vi thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Ủy ban quản lý vốn chủ động tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại của các dự án theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính  phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền nhằm đảm bảo tiến độ các dự án, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục