Quan hệ đồng minh Mỹ-EU rạn nứt vì căng thẳng thương mại (Phần 2)

06:30' - 18/07/2018
BNEWS Giới chức Trung Quốc đang gây áp lực lên EU trong việc ra một tuyên bố chung mạnh mẽ chống lại các chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump tại một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN
Giữa bối cảnh quan hệ của hai đồng minh truyền thống nói trên đang rạn nứt nghiêm trọng, giới chức Trung Quốc đang gây áp lực lên EU trong việc ra một tuyên bố chung mạnh mẽ chống lại các chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump tại một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này.
Trong các cuộc gặp ở Brussels, Berlin và Bắc Kinh, các quan chức cấp cao Trung Quốc, trong đó có Phó Thủ tướng Lưu Hà và nhà ngoại giao hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Vương Nghị, đã đề xuất hình thành một liên minh giữa Trung Quốc-EU và đề nghị sẽ mở cửa thị trường Trung Quốc nhiều hơn nữa như là một cử chỉ thiện chí.
Một trong số các đề xuất là Trung Quốc và EU sẽ có hành động chung đối chọi lại với Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).Tuy nhiên, Brussels đã bác bỏ ý tưởng liên minh với Bắc Kinh chống lại Washington, năm quan chức và nhà ngoại giao EU nói với Reuters trước thềm cuộc họp thượng đỉnh Trung Quốc-châu Âu ở Bắc Kinh vào ngày 16-17/7.
Thay vào đó, hội nghị thượng đỉnh này dự kiến sẽ đưa ra một thông cáo chung khiêm tốn khẳng định cam kết của hai bên đối với hệ thống thương mại đa phương và hứa hẹn sẽ thành lập một nhóm công tác về việc hiện đại hoá WTO, các quan chức EU cho biết.
Phó Thủ tướng Lưu Hà đã nói riêng với các quan chức châu Âu rằng Trung Quốc đã sẵn sàng lần đầu tiên xác định các ngành mà họ có thể mở cửa cho châu Âu đầu tư tại cuộc họp thượng đỉnh hàng năm dự định sẽ có sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức lãnh đạo của EU.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã truyền đi thông điệp rằng EU đứng về phía Trung Quốc, khiến cho khối này ở trong một tình thế nhạy cảm. Hai hội nghị thượng đỉnh trước đó trong các năm 2016 và 2017 đã kết thúc mà không có tuyên bố chung do bất đồng về Biển Đông và thương mại.
Mặc dù chính quyền Trump áp đặt thuế lên các mặt hàng nhôm và thép xuất khẩu của châu Âu và đe dọa đánh thuế ngành công nghiệp ô tô của châu lục này, Brussels chia sẻ với Washington mối quan ngại về thị trường khép kín của Trung Quốc và điều mà các chính phủ phương Tây cho rằng Bắc Kinh lợi dụng thương mại để chi phối thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, lập trường của Bắc Kinh là bất ngờ do mối quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ giữa Washington và các quốc gia châu Âu. Nó cho thấy mức độ quan ngại của Bắc Kinh về một cuộc chiến thương mại với Washington vào lúc Tổng thống Trump sắp sửa áp thuế lên hàng tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào ngày 6/7.
Điều này cũng cho thấy sự táo bạo của Bắc Kinh trong việc tranh thủ thời cơ giành quyền lãnh đạo thế giới giữa những chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, Canada và Nhật Bản về thương mại, biến đổi khí hậu và chính sách đối ngoại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục