Ra mắt ấn phẩm “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt”

17:30' - 23/08/2018
BNEWS Cuốn ấn phẩm “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt” do Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng với sự hỗ trợ của Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”.

Ngày 23/8, tại Hà Nội, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công Nghệ đã tổ chức sự kiện quảng bá các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và giới thiệu ấn phẩm “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt”, Fanpage và tờ rơi quảng bá về chỉ dẫn địa lý.

Sự kiện quảng bá các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và giới thiệu ấn phẩm “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt”. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí Tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thông qua nhiều chính sách hỗ trợ phát triển đã được các bộ ngành địa phương đưa vào áp dụng thực tế tại các địa phương đã mang lại các hiệu quả tích cực và để khai thác hết giá trị tiềm năng của chỉ dẫn địa lý cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Cuốn sách sẽ mang đến cho bạn đọc bức tranh về chất lượng, danh tiếng, giá trị truyền thống và nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, Cuốn sách là tài liệu hữu ích đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cá nhân, góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn Địa lý, Cục Sở hữu Trí tuệ cho hay dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp, Việt Nam đã thực hiện cho ra được ấn phẩm “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt”.  Việc xuất bản cuốn ấn phẩm này sẽ hỗ trợ phần nào cho các cơ quan quản lý nhà nước đề ra những chính sách phù hợp; giúp khơi dậy niềm tự hào của những người sản xuất ra các sản phẩm này. Bên cạnh đó, cuốn sách này giúp giới thiệu các đặc sản vùng miền đến với bạn bè quốc tế.

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể, có danh tiếng, chất lượng đặc thù được tạo nên bởi các điều kiện tự nhiên và con người ở khu vực địa lý đó.

Trên thế giới, xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành chiến lược nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, quảng bá hình ảnh, phát huy những những giá trị truyền thống. Hiện có khoảng 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên thế giới, với giá trị giao dịch thương mại hằng năm ước đạt 50 tỷ USD.

Việt Nam sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng gắn với chất lượng đặc thù, danh tiếng và nét đặc trưng của văn hóa Việt. Trong đó, nhiều sản phẩm là các mặt hàng chủ lực của địa phương được biết đến rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng được hành lang pháp lý và giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong việc đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển, quảng bá các sản phẩm trên thị trường. Đến tháng 6/2018, 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố đã được bảo hộ, từng bước khẳng định vị trí trong hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm đặc sản ở các địa phương.

Các đặc sản nổi tiếng của địa phương đã được đăng ký như Nước mắm Phú Quốc, chè Shan Tuyết Mộc Châu, cà phê nhân Buôn Ma Thuột, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, hoa hồi Lạng Sơn, vải thiều Thanh Hà, nước mắm Phan Thiết, cam Vinh.

>>>Một kỳ nghỉ - Hai vùng di sản: Tầm nhìn chiến lược phát triển các vùng du lịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục