Rạn nứt Trung - Ấn lan rộng ra ngoài vấn đề biên giới

05:30' - 12/09/2017
BNEWS Cuộc đối đầu căng thẳng mới đây nhất tại biên giới Trung - Ấn đã làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn xung quanh vấn đề an ninh và thương mại giữa hai quốc gia này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại hội nghị BRICS ở Hạ Môn, Trung Quốc. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Trung Quốc ngày 28/8 tuyên bố Ấn Độ đã rút quân khỏi vùng biên giới có tranh chấp, chấm dứt căng thẳng kéo dài trong những tuần vừa qua. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng xác nhận nước họ đã rút quân khỏi Doklam sau khi hai nước đạt được thỏa thuận chấm dứt tình trạng căng thẳng kéo dài từ tháng Sáu qua tại khu vực này.
Theo bài viết trên tờ The Wall Street Journal (Mỹ), tại Ấn Độ, vụ việc này đã thổi bùng làn sóng thù địch đối với các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc và những lời kêu gọi trả đũa kinh tế đối với Bắc Kinh, trong bối cảnh xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ tăng vọt làm dấy lên những lời chỉ trích về mậu dịch không công bằng.
Cuộc đối đầu tại vùng biên giới Himalaya, đang dẫn đến những quan ngại về nguy cơ xung đột quân sự, bắt nguồn từ việc Trung Quốc xây dựng một con đường nằm ở khu vực mà cả Trung Quốc lẫn Bhutan đều tuyên bố chủ quyền.
Bhutan là một đồng minh thân thiết của Ấn Độ nằm kẹt giữa hai quốc gia châu Á khổng lồ này. Ấn Độ lo sợ con đường này sẽ được sử dụng vào mục đích quân sự khi những tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh khiến New Delhi lo ngại và buộc phải tìm cách thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Mỹ và Nhật Bản.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng là hai quốc gia duy nhất trong nhóm BRICS (gồm có thêm Nga, Brazil và Nam Phi) đã tránh được tình trạng suy thoái trong năm ngoái, do đó họ có thể tìm được một số điểm tương đồng.
Ngày 1/9, Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết hai nước đã cùng đưa ra lời kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xóa bỏ một số hình thực trợ giá nông sản đối với những quốc gia phát triển như Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc đụng độ tại biên giới trong thời gian qua đã khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.
Brahma Chellaney, giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Dehli, nói: "Cuộc đối đầu này đang buộc Ấn Độ phải cân nhắc lại chiến lược mậu dịch của mình. Trước cuộc khủng hoảng này, nhiều người Ấn Độ đang đặt câu hỏi tại sao Ấn Độ lại để Trung Quốc gia tăng xuất siêu trong khi đối xử với Ấn Độ như kẻ thù".

Nhà sản xuất điện thoại Xiaomi của Trung Quốc coi Ấn Độ là một trong những thị trường nước ngoài lớn nhất của họ. Ảnh: Reuters

Xuất khẩu từ Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ - đã tăng gấp 4 lần trong một thập niên qua, do Trung Quốc bán được ngày càng nhiều hàng điện tử, máy móc và hóa chất.

Tuy nhiên, nhập khẩu của Trung Quốc lại tăng không đáng kể do nền kinh tế tăng trưởng chậm, làm giảm nhu cầu của nước này đối với những tài nguyên thiên nhiên như đồng, bông và xăng dầu từ Ấn Độ. Ấn Độ cũng phàn nàn rằng Trung Quốc thường xuyên bán phá giá hàng hóa.
Ấn Độ hiện là thị trường hấp dẫn đối với các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty như nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi đang “ve vãn” Ấn Độ, xem đây là thị trường nước ngoài lớn nhất của họ.
Theo ước tính của tổ chức tư vấn Boston, tới năm 2025, giá trị lượng hàng hóa tiêu dùng của Ấn Độ sẽ tăng gấp 3 lần, lên tới 4.000 tỷ USD, trong khi nước này đặt kế hoạch chi 59 tỷ USD để nâng cấp hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, hiện cho đến nay mới chỉ có khoảng 3% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc được xuất sang Ấn Độ.
Li-Gang Liu, nhà kinh tế thuộc công ty nghiên cứu Citi, nói: "Tiềm năng có thể là rất lớn. Tuy nhiên, hiện thực hóa tiềm năng này vẫn là một thách thức, không chỉ chịu ảnh hưởng của thuế quan và các biện pháp bảo hộ mậu dịch, mà cả những rủi ro chính trị như là tranh chấp biên giới".
Quan hệ Trung - Ấn cũng căng thẳng do hàng tỷ USD Bắc Kinh đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Pakistan, kẻ thù không đội trời chung của Ấn Độ. Rajan Menon, giáo sư khoa học chính trị thuộc trường Đại học City College ở New York, cho biết Ấn Độ đang ngày càng cảnh giác trước việc Trung Quốc dùng mậu dịch để thúc đẩy những mục tiêu chiến lược.
Ấn Độ cho rằng tham vọng “Vành đai và Con đường" của Trung Quốc là không tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Ông Menon cho rằng "Ấn Độ coi (hành lang) này không hẳn là một kế hoạch kinh tế, mà là một kế hoạch chiến lược".
Pakistan hy vọng hành lang trên sẽ biến nước này trở thành một trung tâm thương mại, và đem tới cho họ một cảng biển quan trọng thứ hai bên cạnh Karachi, nơi mà Islamabad lo sợ có thể bị Ấn Độ phong tỏa trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Trong khi đó, Ấn Độ đang cùng với Nhật Bản triển khai một dự án cạnh tranh với "Vành đai và Con đường". Rory Medcalf, người đứng đầu Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australian, nói rằng "Ấn Độ coi cái gọi là Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan là một sự bao vây chiến lược và không thể tha thứ cho việc Trung Quốc trợ giúp Pakistan về tên lửa và hạt nhân để đối phó với lợi thế quân sự của Ấn Độ".
Trong bối cảnh các nước gia tăng đối đầu tại Himalaya, những người Ấn Độ theo chủ nghĩa dân tộc đã biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi và tổ chức các sự kiện kêu gọi tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc trên cả nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục