Rủi ro chia rẽ liên minh Mỹ-Hàn (Phần 1)

05:30' - 08/01/2018
BNEWS Bình Nhưỡng mới đây phát tín hiệu về một chiến lược mới, đó là đàm phán trực tiếp với Hàn Quốc với hy vọng gây ra chia rẽ liên minh tồn tại suốt 7 thập niên qua giữa nước này và Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 30/6. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo tờ The New York Times, ngoài tuyên bố đầu Năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng ông sẽ tiến tới sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa trong năm 2018, Bình Nhưỡng còn phát tín hiệu về một chiến lược mới, đó là đàm phán trực tiếp với Hàn Quốc với hy vọng gây ra chia rẽ liên minh tồn tại suốt 7 thập niên qua giữa nước này và Mỹ.

Ông Kim có lẽ cảm nhận được những căng thẳng âm ỉ giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nên đã kêu gọi đối thoại khẩn cấp giữa hai miền Triều Tiên trước khi khai mạc Thế vận hội Mùa Đông tại Hàn Quốc vào tháng tới.

Mối quan hệ Mỹ-Hàn đã rơi vào trạng thái căng thẳng suốt mấy tháng qua do ông Moon, một chính khách thuộc phái tự do, chủ trương mở cửa kinh tế và ngoại giao với miền Bắc trong khi ông Trump lại hối thúc gây áp lực lên Triều Tiên bằng cách tăng cường bao vây trừng phạt.

Trong mấy tháng gần đây, ông Moon cũng chọc giận ông Trump và các phụ tá trong Nhà Trắng bằng tuyên bố rằng ông bảo lưu cái gọi là quyền phủ quyết trước bất kỳ hành động tấn công phủ đầu nào của Mỹ nhằm vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, sự thay đổi đột ngột trong giọng điệu và chính sách, hướng tới đàm phán song phương giữa hai miền Triều Tiên, cho thấy ông Kim nhận thấy có cơ hội để khoét sâu thêm rạn nứt giữa ông Moon và ông Trump, đánh cược rằng Mỹ sẽ không thể gây thêm áp lực lên Triều Tiên nếu như không nhận được sự ưng thuận của Hàn Quốc.

Canh bạc này có thể có hiệu quả. Vài giờ sau bài phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, văn phòng của Tổng thống Moon Jae-in hoan nghênh đề xuất của Triều Tiên bằng những từ ngữ có thể đổ thêm dầu vào căng thẳng với Mỹ. Tuyên bố của văn phòng tổng thống nhấn mạnh đến vai trò của hai miền Triều Tiên trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Trái lại, ông Trump theo đuổi chủ trương cứng rắn hơn, nói rằng không thể có đàm phán nếu như không có dấu hiệu chứng tỏ Triều Tiên từ bỏ việc thử hạt nhân và tên lửa, và không có một bản ghi nhớ rằng mục tiêu cuối cùng của bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải là xóa sổ hoàn toàn và có thể kiểm chứng được khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Robert Litwak, tác giả cuốn "Ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên" và là học giả Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, nói: "Thời điểm của đề nghị này, cộng với khả năng tấn công nước Mỹ mà ông ta mới tuyên bố, đang làm thay đổi bài toán. Ông Kim đang nhận thấy có cơ hội hiếm hoi để lôi kéo Hàn Quốc chống lại Tổng thống Trump".

Sự thay đổi thái độ của ông Kim có thể còn phần nào bắt nguồn từ việc những lệnh trừng phạt bắt đầu gây khó khăn cho chế độ của ông ta.

Cuộc đấu trí ngoại giao diễn ra trong bối cảnh gia tăng mối lo sợ về kho hạt nhân của Triều Tiên. Trong năm qua, Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ công nghệ nhanh chóng mà theo họ giờ đây họ có thể tấn công Bờ Đông của nước Mỹ bằng tên lửa.

Triều Tiên chưa chứng minh được yếu tố chủ chốt của mối đe dọa hạt nhân, đó là khả năng sản xuất được đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa- song rõ ràng họ đang ngày càng tiến gần hơn tới khả năng này.

Chính quyền Mỹ đánh giá mối đe dọa này đủ mạnh để Tổng thống Trump nói bóng gió về khả năng triển khai một cuộc tấn công phủ đầu như là một giải pháp cuối cùng. Lối tư duy này- cũng như những phát biểu hùng hồn từ cả ông Trump lẫn ông Kim- đã khiến Hàn Quốc lo sợ vì nước này sẽ ở ngay đầu chiến tuyến nếu như chiến tranh xảy ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục