Rủi ro chia rẽ liên minh Mỹ-Hàn (Phần 2)

06:30' - 08/01/2018
BNEWS Bình Nhưỡng đưa ra lời đề nghị đàm phán với Hàn Quốc chỉ vài ngày sau khi Washington thuyết phục được Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ thắt chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức Mỹ cho biết thậm chí trước khi Trung Quốc giảm mạnh lượng dầu và các sản phẩm xăng đã tinh chế xuất sang Triều Tiên, đã có tin về tình trạng thiếu nhiên liệu tại nước này. Giá khí đốt ở đây đã tăng 50% trong năm qua.

Trong bối cảnh Washington vận động các nước cô lập Triều Tiên, một số quốc gia- trong đó có Mexico, Peru, Kuwait, Myanmar, Tây Ban Nha, Italy và Đức- gần đây đã trục xuất các đại sứ Triều Tiên hoặc giảm số nhân viên ngoại giao Triều Tiên tại nước họ.

Và các quốc gia như Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Kuwait và Qatar cũng đã bắt đầu cho hồi hương lao động Triều Tiên làm việc tại các công trường xây dựng.

Ông Moon chính thức ủng hộ việc thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ, coi đây là công cụ để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán giải giáp hạt nhân. Trong mấy tuần gần đây, chính phủ của ông đã thu giữ hai tàu chở dầu mà họ nghi là được sử dụng để buôn lậu các sản phẩm xăng dầu đã được tinh chế vào Triều Tiên.

Song ông Moon cũng nhất trí với Nga và Trung Quốc rằng các cuộc đàm phán là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân. Lời đề nghị hòa bình đột ngột của ông Kim có thể khuyến khích cả Nga lẫn Trung Quốc nối lại lời kêu gọi hình thức "đóng băng đổi lấy đóng băng"- nghĩa là Triều Tiên ngừng các vụ thử để đổi lấy việc Mỹ-Hàn ngừng các cuộc tập trận chung. Trong bối cảnh đó, các lệnh trừng phạt sẽ bắt đầu được lắng dịu.

Giáo sư Yang Moo-jin của trường Đại học nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói: "Sau khi không đạt được điều gì với người Mỹ, giờ đây Triều Tiên đang tìm cách khởi động các cuộc đàm phán với Hàn Quốc trước rồi sau đó dùng điều đó làm kênh để bắt đầu đối thoại với Mỹ". Vị Giáo sư này nhận định lời đề nghị của Bình Nhưỡng là một diễn biến tích cực để làm dịu căng thẳng.

Câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là liệu canh bạc của ông Kim có thu được kết quả. Những người theo đường lối cứng rắn ở Hàn Quốc và một số quan chức của chính quyền Trump cho biết họ lo sợ rằng nếu như đối thoại trên bán đảo Triều Tiên giúp căng thẳng tạm thời lắng dịu, việc thực thi các lệnh trừng phạt có thể cũng sẽ trở nên lỏng lẻo.

Các quan chức trong chính quyền Moon lập luận rằng họ nhận thức rất rõ chiến lược của Triều Tiên và họ đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ. Tuy nhiên, đối với ông Moon, đàm phán giữa hai miền Triều Tiên sẽ tạo ra một khoảng lặng vô cùng cần thiết sau một năm hai ông Kim và Trump thường xuyên đưa ra những lời đe dọa chiến tranh.

Đặc biệt ông Moon muốn cuộc đối đầu hạt nhân tạm ngưng trong thời gian diễn ra Thế vận hội và dùng đà này để khởi động các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Các cuộc đàm phán như vậy rốt cuộc có thể dẫn đến những cuộc đàm phán rộng hơn, mà trong đó Mỹ, Trung Quốc và Nga có thể đưa ra những biện pháp kích thích kinh tế và ngoại giao cho Triều Tiên để đổi lấy việc nước này ngừng các vụ thử.

Và đây chính là điểm mà mối bất hòa giữa Hàn Quốc và Mỹ có thể trở nên nghiêm trọng. Trong bất kỳ cuộc đàm phán tương lai nào, Triều Tiên cũng có khả năng sẽ tìm kiếm những nhượng bộ lớn, như là nới lỏng trừng phạt và giảm bớt sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Sau đó Triều Tiên có thể sẽ tìm cách buộc Washington phải chấp nhận sự thỏa hiệp bằng cách ngỏ ý đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, song không từ bỏ những vũ khí này.

Hoặc, như trong quá khứ, Triều Tiên có thể lợi dụng các cuộc đàm phán để làm dịu bớt tác động của những lệnh trừng phạt chứ không hề có ý định chấm dứt chương trình hạt nhân. Điều này về cơ bản sẽ duy trì nguyên trạng mà ông Trump đã tuyên bố là không thể dung thứ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục