Sách Trắng Quốc phòng mới của Canada

05:30' - 10/07/2017
BNEWS Canada mới đây công bố báo cáo đánh giá chính sác quốc phòng, và dự kiến chi thêm hàng tỷ USD khiến tổng ngân sách quốc phòng tăng hơn 70% so với mức hiện tại.
Canada mới công bố định hướng chính sách quốc phòng. Ảnh: Reuters

Trong bài viết mới đây trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế trực thuộc Khoa Khoa học Xã hội của trường Đại học Ottawa, tác giả Srdjan Vucetic cho rằng thế giới hiện nay giống như đang trải qua thời kỳ “hậu sự thật, hậu phương Tây, hậu trật tự”.

Canada mới đây công bố báo cáo Đánh giá Chính sách Quốc phòng thu hút sự quan tâm của dư luận vì đây được coi như Sách Trắng Quốc phòng mới của Canada. Nội dung nổi bật trong chính sách này là việc Canada sẽ tăng mạnh chi tiêu quốc phòng và thay đổi một số định hướng hoạt động quân sự. Tuy nhiên, cùng với đó là hàng loạt câu hỏi cũng đang được các nhà quan sát đặt ra.

Trong báo cáo Đánh giá Chính sách Quốc phòng lần này, Chính phủ Canada cam kết tuyển thêm hàng trăm nghìn binh sĩ trong những năm tới và chi tiêu thêm hàng tỷ USD khiến tổng ngân sách quốc phòng tăng hơn 70% so với mức hiện tại.

Nhưng vấn đề không chỉ liên quan đến tiền. Trong lời dẫn nhập của báo cáo có tựa đề “Sức mạnh, An toàn và Can dự” (SSE), bà Freeland đã mô tả chính sách quốc phòng như một “bản đồ và phương tiện để thúc đẩy chương trình nghị sự đầy tham vọng của Chính phủ Canada ”.

Được biên soạn từ trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử năm 2015, SSE là sản phẩm của một quá trình đánh giá chính sách toàn diện, trong đó bao hàm cả việc tham vấn người dân và các nước đồng minh của Canada.

Đầu tiên, SSE đã thiết lập được sự cân bằng giữa kết quả, cách thức và phương tiện - một tính năng thiết yếu của một chiến lược tốt.

Điểm quan trọng thứ hai là văn kiện này không đặt các chủ đề chính theo một trật tự điển hình khi ngay trong chương đầu tiên đã tập trung nói về môi trường làm việc và sinh sống đặc thù của các binh sĩ chính quy như một lời nhắc nhở khéo léo rằng một chiến lược quốc phòng tốt phải dựa trên các chính sách tuyển dụng và mua sắm tốt.

Canada dự kiến chi thêm hàng tỷ USD cho ngân sách quốc phòng. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, trong phần đề cập đến các đồng minh chính của Canada, SSE đã đặt ra một vài xu hướng mới mà nổi bật trong đó là việc tiến hành các khóa đào tạo trên cơ sở phân tích về giới, một công cụ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới (trong Phụ lục C).

Sáng kiến này, cùng với các sáng kiến có liên quan khác, rất quan trọng vì chúng sẽ giúp các binh sĩ huấn luyện của Canada nhận biết “các nhân tố nhân dạng” để có thể (giúp nước khác) xây dựng được “quân đội giống như của Canada”.

Bên cạnh việc mô tả về thế giới trước năm 2017, SSE cũng chỉ rõ các “mối đe dọa” đặc trưng, cũng như các “thách thức”, “rủi ro”, “quan ngại” và “xu hướng” cụ thể cho môi trường an ninh toàn cầu hiện nay.

Điển hình trong số này là sự nổi lên của Trung Quốc, sự hồi sinh của "Gấu" Nga, tình trạng biến đổi khí hậu (phần lớn liên quan đến Bắc Cực, được đề cập tổng cộng 76 lần), và “sự phức tạp ngày càng gia tăng”.

Công nghệ cũng được đặc biệt nhấn mạnh qua những ý như “để bắt kịp, Canada phải phát triển các năng lực không gian mạng và vũ trụ tiên tiến”.
Các cơ hội và hoạt động hợp tác quốc tế của Canada cũng được giải thích khá chi tiết trong Sách Trắng Quốc phòng lần này.

Một điểm yếu của SSE là không cung cấp đủ các chi tiết về những giả định kinh phí. SSE tự đánh giá đã đưa ra được một “chính sách quốc phòng có chi phí hợp lý nhất từ trước tới nay”, nhưng lại không liên hệ được với “Kế hoạch Đầu tư Quốc phòng”. Do kế hoạch này vẫn chưa được công bố, nên chương viết về quỹ quốc phòng và các Phụ lục A, B đính kèm trong SSE không giải đáp được hết các thắc mắc.

Bộ Tài chính sẽ lấy tiền ở đâu để chi trả cho các tân binh chính quy, tân binh dự phòng, mua sắm các hạm đội tàu và các phi đội máy bay chiến đấu tân tiến? Nếu chính phủ không có cách nào thực hiện các cam kết và hoàn thành các chỉ tiêu đưa ra, khi đó SSE chẳng khác nào một mớ giấy tờ quảng cáo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục