Sản xuất ô tô ở Đông Nam Á có xu hướng như thế nào?

09:56' - 09/07/2019
BNEWS Các công ty trong nước của nhiều quốc gia Đông Nam Á đã lần lượt tham gia thị trường xe hơi và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cá nhân để cạnh tranh với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nhật báo Yomiuri của Nhật Bản số ra ngày 8/7 đã đăng bài phân tích về xu hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô ở các quốc gia Đông Nam Á, vốn đang tập trung vào các dòng xe chạy điện (EV) đòi hỏi ít linh kiện và các rào cản cho việc gia nhập thị trường thấp hơn so với các ôtô chạy bằng xăng, dầu diesel.

Dây chuyền lắp ráp của Nhà máy sản xuất ô tôVinfast. Ảnh: Thống Nhất -TTXVN

Báo trên nhận định ở Việt Nam, Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác, các công ty trong nước đã lần lượt tham gia thị trường xe hơi và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cá nhân để cạnh tranh với các doanh nghiệp Nhật Bản, những thương hiệu đang chiếm lĩnh vực thị trường khu vực này.

Chính phủ các nước Đông Nam Á cũng tích cực hỗ trợ những nỗ lực này, trong đó trọng tâm chính là phát triển các xe điện.

Tháng 6/2019, tập đoàn Vingroup đã hoàn tất xây dựng nhà xưởng để sản xuất thương hiệu ô tô đầu tiên ở Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai trương nhà máy ô tô của Vingroup, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự thành công của dự án này sẽ có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành công nghiệp Việt Nam. Thủ tướng đồng thời khẳng định chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp dám chấp nhận thách thức.

Vingroup vốn được biết đến như một tập đoàn kinh doanh đa ngành, trong đó có bất động sản, bán lẻ, công nghiệp thông tin và viễn thông.

Tuy nhiên, chỉ trong chưa đầy 2 năm tham gia ngành công nghiệp chế tạo ô tô (từ tháng 9/2017), Vingroup đã chế tạo những chiếc xe đầu tiên bằng cách tiếp nhận công nghệ của các công ty như General Motors và BMW thông qua việc hợp tác kinh doanh và cho đến nay, Vingroup đã nhận được hơn 10.000 đơn đặt hàng ôtô.

Theo báo Yomiuri, việc phát triển các phương tiện chạy điện đang diễn ra nhanh hơn ở các quốc gia Đông Nam Á bởi các dòng xe này đòi hỏi ít linh kiện và các rào cản cho việc gia nhập thị trường thấp hơn so với các xe ô tô chạy bằng động cơ.

Ở Thái Lan, vào tháng 3/2019, công ty điện lực Energy Absolute PCL đã giới thiệu dòng xe tải cỡ nhỏ (minivan) do công ty này tự thiết kế và chế tạo. Mặc dù chưa bán minivan ra thị trường nhưng Energy Absolute PCL cho biết chiếc xe này là một phần của khái niệm xe điện quốc gia. Cùng với Energy Absolute PCL, Tổng Công ty Điện lực Thái Lan (EGAT) cũng có kế hoạch tái chế các xe ô tô cũ thành các xe chạy điện để bán ra thị trường.

Tại Philippines, các doanh nghiệp trong nước cũng đang chuyển từ các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt và xe ba bánh sang xe điện.

Không nằm ngoài xu hướng đó, ở Malaysia, nước có hai doanh nghiệp chế tạo ô tô quốc doanh, Chính phủ đang thúc đẩy khái niệm ô tô quốc gia mới trong kỷ nguyên xe điện. Trong bài phát biểu hôm 1/7, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết tương lai của ngành công nghiệp ô tô đang chuyển về hướng xe điện.

Năm 2018, doanh số bán xe ở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ngoại trừ Campuchia và Lào, đã tăng 6,6% so với năm 2017 lên mức cao kỷ lục 3,56 triệu chiếc, tương đương gần 70% doanh số bán xe tại thị trường Nhật Bản, hiện khoảng 5,2 triệu chiếc. Tuy nhiên, doanh số bán xe ở ASEAN có thể vượt ngưỡng 4 triệu chiếc vào cuối năm 2020.

Hiện tại, các doanh nghiệp Nhật Bản đang chiếm 80% thị phần thị trường ô tô Đông Nam Á. Tuy nhiên, các thương hiệu ô tô Đông Nam Á có thể sẽ tăng cường sức cạnh tranh để đối chọi lại các doanh nghiệp Nhật Bản trên một thị trường đang tăng trưởng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục