Sóc Trăng quy hoạch phát triển điện sinh khối

18:37' - 30/08/2017
BNEWS Ngày 30/8, đoàn công tác của Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu đã có buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng về quy hoạch phát triển điện sinh khối tỉnh Sóc Trăng.

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Chiêu – Giám đốc sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng đã giới thiệu với đoàn công tác tình hình phát triển kinh tế xã hội, thực trạng và tiềm năng phát triển điện sinh khối của tỉnh Sóc Trăng.

Theo đó, tiềm năng để phát triển điện sinh khối của tỉnh Sóc Trăng hiện tại có các nguồn nguyên liệu chính như: bã mía, trấu, rơm rạ, gỗ năng lượng.
Về mía, năm 2016, sản lượng mía ép tại Nhà máy đường Sóc Trăng khoảng 435.000 tấn mía cây, tương đương 130.000 tấn bã mía. Sóc Trăng hiện có Nhà máy điện đồng phát nhiệt sử dụng bã mía 12 MW của Công ty Cổ phần mía đường Sóc Trăng. Sản lượng bã mía hàng năm đủ cung cấp cho nhà máy điện đốt.
Bên cạnh đó, tổng sản lượng lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2016 đạt khoảng 2,4 triệu tấn, tương đương sản lượng trấu 312.000 tấn/năm.

Về rơm rạ, hiện nay sau thu hoạch, nông dân thu lại bình quân 2 tấn/ha. Như vậy, so với diện tích gieo trồng của tỉnh khoảng 140.000 ha/vụ, tương đương sản lượng rơm rạ 280.000 tấn/vụ.
Nguồn tài nguyên rừng trên địa bàn có gần 11.360 ha, với các loại cây chính: tràm, bần, giá, vẹt, đước, dừa nước; phân bổ ở 3 huyện Long Phú, Mỹ Tú và Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu.

Rừng của Sóc Trăng thuộc hệ rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ở khu vực đất nhiễm phèn.

Dựa vào kế hoạch trồng rừng và phát triển lâm nghiệp, dự kiến tiềm năng gỗ năng lượng đến năm 2020 từ rừng tự nhiên 9.436 tấn, rừng sản xuất 8.150 tấn, cây trồng phân tán 3.786 tấn, cây công nghiệp lâu năm 17.000 tấn, phế thải gỗ 33.000 tấn.
Căn cứ vào sản lượng lúa và các nhà máy xay xát trên địa bàn tỉnh, đồng thời kết hợp với giao thông thủy và bộ, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng đề xuất vị trí lắp đặt nhà máy điện trấu.

Vị trí đặt tại thị xã Ngã Năm, quy mô công suất 20 MW và tại thành phố Sóc Trăng, quy mô công suất 10 MW.
Đối với điện rơm rạ, địa điểm đề xuất đặt nhà máy tại các huyện có vùng nguyên liệu và thuận lợi trong giao thông như: thị xã Ngã Năm, huyện Long Phú, huyện Mỹ Tú, huyện Trần Đề với quy mô công suất trên địa bàn từ 5 – 10 MW/huyện.
Đối với gỗ năng lượng, căn cứ vào vùng nguyên liệu và giao thông, khả năng kết hợp điện rơm, rạ, đề xuất đặt nhà máy tại hai huyện Mỹ Tú, Long Phú với quy mô công suất trên địa bàn từ 5 – 10 MW/huyện.
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Tổng cục Năng lượng và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu xem xét hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng lập quy hoạch phát triển điện sinh khối; trong đó, lồng ghép thêm phần quy hoạch phát triển điện chất thải rắn vào quy hoạch phát triển điện sinh khối.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan về quy hoạch phát triển điện sinh khối tại tỉnh Sóc Trăng cũng như những đề xuất của tỉnh.

Về phía đoàn công tác cũng đã giới thiệu các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật tỉnh của Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu; về khung pháp lý, phương pháp luận thu thập số liệu, kế hoạch xây dựng quy hoạch điện sinh khối tỉnh Sóc Trăng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí nhấn mạnh, cùng với điện gió, điện mặt trời, việc quy hoạch phát triển điện sinh khối là lĩnh vực tỉnh Sóc Trăng quan tâm thực hiện trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Sóc Trăng tạo mọi điều kiện để phục vụ cho công tác quy hoạch, giao Sở Công Thương là đơn vị đầu mối.

Việc quy hoạch khép kín nếu liên tỉnh sẽ có tính khả thi rất cao và thu hút được nhiều nhà đầu tư./.

Xem thêm:

>>>Nhà máy điện sinh khối KCP-Phú Yên chính thức hòa lưới điện quốc gia

>>>Bổ sung dự án Nhà máy điện sinh khối An Khê vào Quy hoạch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục